Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

THƯ CHIA TAY BẠN HỮU HÀ NỘI CỦA KS NGUYỄN VĂN THẠNH


Thân gửi anh chị em và các bạn
Với niềm tin kinh tế là mạch máu của cuộc sống.
Chính sách kinh tế đúng mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Kinh tế sai đưa đến đói nghèo và độc tài. Tôi tiếp cận vấn đề dân chủ dưới góc nhìn kinh tế học bỡi vì kinh tế cũng là chính trị (lời TS Nguyễn Xuân Nghĩa).
Từ suy nghĩ vậy, tôi đi Hà Nội để dự buổi hội thảo Kinh tế vĩ mô Trung Quốc để học hỏi thêm thông tin, nhất là kinh tế TQ là một tấm gương của đảng cộng sản VN. Mô hình kinh tế VN hiện hay là một bản sao rập khuôn của TQ.
Hiện nay, đàn anh của họ bị rắc rối, tôi muốn biết họ nhìn nhận chuyện này thế nào, ứng phó ra sao?
Đó là mục đích chính của chuyến đi HN lần này. Tuy nhiên, ít khi có dịp ra HN nên tôi cũng nhân cơ hội này tham gia các hoạt động của cộng đồng dân chủ như: cùng đến tòa soạn báo công an để yêu tòa soạn xác minh tính chính xác bài báo viết về cuộc tuyệt thực của anh Điếu Cày, cùng anh em đi cổ vũ đội bóng Hoàng Sa, giao lưu gặp gỡ một số bạn hữu, anh chị đã quen trước đó trên mạng,….
Biết cuộc sống ở HN chi phí ăn ở đắt đỏ nên bạn BN mời tôi ở lại nhà. Biết mình là đối tượng bị công an theo dõi đã lâu nên để tránh rắc rối, tôi nói BN đi đăng ký tạm trú cho đến hết chủ nhật (4.8.2013). Tôi dự định ở đến ngày đó, sau khi tổ chức buổi café giới thiệu ý tưởng về công trình gây quỹ Hoàng Sa, Trường Sa rồi về.

Nhưng vì công việc kéo dài nên tôi chưa về, tối hôm sau tôi được một số anh chị blogger mời café nói chuyện, câu chuyện say sưa đến tầm 11h kém thì chúng tôi về. Tôi về lại nhà bạn BN lúc 11h15, mệt quá tôi ngủ. Sáng hôm sau tầm 6h, khi còn đang ngon giấc, bỗng một tốp đông đảo công an, dân phòng kéo vào nhà kiểm tra. Họ yêu cầu tôi về công an xã Tây Mỗ vì tôi quá hạn tạm trú.
Tôi thấy đông nhân viên an ninh nên lấy máy tính bảng ra chụp, lập tức có anh an ninh cao to nói như hét “cấm chụp ảnh” và giật lấy máy tính bảng của tôi. Tôi phản đối nhưng họ không đưa. Họ yêu cầu tôi về đồn công an vì cư trú trái phép. Tôi phản đối vì nếu tôi cư trú quá hạn đăng ký thì nộp phạt chứ không việc gì phải lên đồn. Họ bảo không đi thì họ cưỡng chế, họ cho hai nhân viên an ninh lực lưỡng xách hai tay tôi định lôi lên xe oto tải loại nhỏ đứng sẵn. Thấy mình sức yếu, không chống lại được, tôi giằng co, bảo tôi tự đi và phải trả lại máy tính bảng tôi mới đi vì đó là tài sản cá nhân, có nhiều dữ liệu riêng tư. Giằng co qua lại, cuối cùng họ đồng ý đưa lại máy tính bảng và bạn BN chở tôi đến đồn công an. Một toán đông đảo công an, dân phòng theo sau.
Tại UBND xã Tây Mỗ sau khi một buổi tranh luận về chuyện tôi phạm luật cư trú. Bên công an bảo rằng đã quá hạn cư trú, còn tôi thì cho rằng tôi quá một hôm và tối đó tôi về muộn nên về nguyên tắc sáng hôm sau tôi có quyền đi đăng ký cư trú. (Luật cư trú ghi rõ: việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23h, nếu người đến lưu trú sau 23h thì thông báo lưu trú vào sáng hôm sau,....)
Cuối cùng, đến trưa họ ra văn bản phạt hành chính: cư trú không báo chính quyền với mức phạt 150.000 đ; chống đối, không chấp hành với mức phạt 150.000đ.
Trong thời gian tranh cãi xoay quanh vấn đề tạm trú, có một nhóm người xưng là an ninh của bộ công an mời tôi làm việc với lý do nghi ngờ một số hoạt động của tôi có liên quan đến an ninh quốc gia. Tôi phản đối với lý lẽ rằng tôi bị rắc rối về thủ tục tạm trú thì làm việc bên này, các anh muốn làm việc với tôi thì phải có chứng cứ phạm tội hoặc lệnh tòa chứ không thể nghi ngờ khơi khơi rồi mời tôi làm việc.
Tôi phản đối nhưng cũng không được vì họ rất đông, khống chế tôi chặc chẽ. Sau khi công an xã Tây Mỗ quyết định chuyện tạm trú của tôi, họ cũng không cho tôi về.
Từ sáng chưa kịp vệ sinh đã bị đưa lên trụ sở công an, hỏi nhiều câu vô lý, tôi mệt mỏi, đói khát nhưng cũng không làm được gì họ. Bạn BN và các anh em ở cùng nhà cũng bị liên lụy, cũng bị an ninh cật vấn.
Trưa đó đến gần 1h chiều, họ mua tôi hộp cơm rang để tôi ăn rồi yêu cầu chiều làm việc tiếp.
Một anh an ninh trẻ nói với tôi rằng, họ muốn hỏi tôi một số thông tin cơ bản như ra đây làm gì, gặp ai, mục đích là gì? hỏi thông tin về phong trào con đường Việt Nam,….Anh đó bảo tôi hãy hợp tác để mấy anh hoàn thành công việc vì các anh em ở đây cũng mệt, từ 4-5 giờ sáng đã phải nhận lệnh đi làm, định xong buổi sáng, em phản đối thế này kéo dài đến buổi chiều, anh em đều rất mệt.
Tôi thấy rằng phản đối cũng không được vì họ rất đông và làm việc theo chỉ đạo cấp trên nên tôi hợp tác trả lời những câu hỏi chung chung không ăn nhập vào đâu.
Cuối buổi họ yêu cầu tôi ký vào biên bản làm việc họ viết, tôi nói tôi sẽ ký nếu được giữ một bản sao nhưng họ không chịu, cuối cùng tôi cũng không ký gì.
Trong quá trình làm việc, tôi có dùng máy tính bảng ghi âm lại nhưng vào cuối buổi, bất ngờ họ cho 4-5 nhân viên an ninh lực lưỡng khống chế tôi giật máy tính bảng. Tôi phản đối giữ dội nhưng không được, họ ôm tôi, giằng tay tôi ra sau để lấy cho bằng được. Tôi nói với họ là tôi bị chứng máu khó đông, các anh bạo lực là gặp rắc rối nhưng họ không nghe. Họ còn hăm dọa tôi là có chết cũng chẳng làm được gì họ, kiện cáo không được và cũng không ai xử. Họ bảo “mày ghi âm để lột sao tao à”. Tôi biết họ sợ ảnh hưởng đến công việc miếng cơm manh áo nên tôi đành chấp nhận vì biết có phản đối cũng không chống lại được một lực lượng hùng hậu vậy.
Sau khi lục tìm các file ghi âm họ xóa sạch và cop một số dữ liệu cá nhân, họ trả lại cho tôi. Tôi được cho về lúc 7h20 tối đó. Tâm trạng rất mệt mỏi, cơ thể đau nhức vì bị bạo lực, giằng co.
Tối đó nhà anh em cho tôi ở bị an ninh làm phiền, tôi phải đi nhà nghỉ trọ. Hôm sau anh em ở đó phải chuyển nhà đi nơi khác. Tôi rất buồn.
Tôi định ở đến ngày 9.8 để dự hội thảo này http://vepr.org.vn/533/news-detail/687112/thong-bao/thong-bao-hoi-thao-quoc-te-“kinh-te-trung-quoc-nhung-rui-ro-trung-han”.html nhưng sáng nay người tôi ê ẩm, xuất huyết trong nhiều chỗ (tôi bị chứng máu khó đông nên hôm bị an ninh níu kéo, xô xát làm cho nhiều mạch máu bị vỡ ra), đi lại rất khó khăn nên tôi không đi dự được
Ra Hà Nội đợt này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn nhận định “người Việt chúng ta đang xâu xé nhau để sống”; nhân viên an ninh cũng vì bổng lộc họ có vì quyền lợi mà họ ra sức trấn áp những người có tiếng nói khác biệt. Những đối tượng hưởng lợi hiện nay họ không muốn thay đổi vì quyền lợi họ rất lớn.
Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh trên, ngoài yếu tố chính trị còn đến từ chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế ta hiện nay có đến hơn 45% nguồn vốn được rót đi bỡi nhà nước, đây là một dòng tiền kéo theo các loại bệnh tật xấu xa như tham nhũng, chạy chọt, nịnh nọt, lợi ích nhóm,…và cuối cùng là đối tượng hưởng lợi ra sức bảo vệ thể chế hiện hữu.
Viết những dòng này gửi lời chia tay các bạn trong lúc cơ thể đau nhức, ê ẩm, tôi chỉ mong đến 5h chiều để cố gắng lên xe về nhà.
Xin hẹn gặp lại các bạn dịp khác.
Xin cảm ơn các bạn đã nhiệt tình đón tiếp, giúp đỡ.
Xin lỗi vì đã mang lại phiền phức cho các bạn đã cho tôi ở trọ.
Trân trọng
Nguyễn Văn Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến