Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

THƯ NGỎ KÍNH GỬI CÁC VỊ NHÂN SĨ TRÍ THỨC của Nhân dân Trịnh Nguyễn, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

 

THƯ NGỎ
Kính gửi: Các vị Nhân sĩ Trí thức
Chúng tôi, nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có đôi lời ngỏ với các vị, những nhà tri thức thuộc tầng lớp tinh hoa nhất của Việt Nam. Người dân chúng tôi đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Đã có người hy sinh, có người đã mất mát một phần cơ thể. Chúng tôi đã hy sinh để cho người thân của chúng tôi có ruộng đất để cày cấy, có việc làm để nuôi sống gia đình. Thế nhưng, giờ đây chúng tôi sắp sửa mất đi ruộng vườn – nơi bao nhiêu năm chúng tôi đã đổ mồ hôi công sức. Cuộc sống của chúng tôi sẽ thế nào khi người nông dân chúng tôi không còn đất để sản xuất? chúng tôi biết làm gì đây để nuôi sống gia đình, cho con cháu chúng tôi ăn học. Chúng tôi biết rằng đồng ruộng giờ đây không thể giúp chúng tôi làm giàu nhưng nó giúp chúng tôi có việc làm, giúp chúng tôi không thể chết đói, chúng tôi không phải dùng thực phẩm độc hại của Trung Quốc. Người nông dân chúng tôi quanh năm quen với việc đồng áng, chúng tôi không có cơ hội để làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm cho các doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp rất nhiều vậy làm sao chúng tôi có việc làm, có thu nhập. Chẳng lẽ chúng tôi sẽ phải đi ăn xin hay làm trộm cướp để có tiền sinh sống. Cha ông chúng ta đã nói “nhàn cư vi bất thiện”.
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân chúng tôi được biết nhà nước Việt Nam đã và đang thu hồi rất nhiều đất nông nghiệp, kể cả những mảnh đất màu mỡ để làm các dự án bất động sản, khu công nghiệp và nhà máy. Người dân ở các nơi đó, sau khi nhận được một ít tiền đền bù đã tiêu hết tiền vào việc ăn uống hàng ngày, mua sắm thiết bị cho gia đình. Vì là số tiền ít ỏi, sau một thời gian ngắn người dân đã tiêu hết và trở thành người thất nghiệp, không có thu nhập để nuôi sống gia đình. Do đó, xã hội bây giờ có rất nhiều vụ trộm cắp, cướp của giết người xảy ra. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy với việc thu hồi đất nông nghiệp tràn lan như hiện nay cùng với việc biến đổi khí hậu thì liệu Việt Nam có đảm bảo được an ninh  lương thực, liệu có phải lệ thuộc vào nước ngoài không? Và lệ thuộc như vậy thì nước ta liệu có độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ?
Mặc dù có suy nghĩ trên nhưng khi được biết chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh đặt tại khu đồng Lỗ Vó và Dạ Cá là khu ruộng trước kia chi bộ và nhân dân đã ưu ái dành cho các gia đình chính sách. Do vậy, nhân dân chúng tôi đề nghị di chuyển ra xa vì những lí do sau:
Thứ nhất: Tại sao lại đặt vị trí nhà máy tại xứ đồng Lỗ vó và Dạ Cá? Đây là khu ruộng chính sách, khu ruộng mật đã được nhân dân và chi bộ trước đây ưu tiên cho các gia đình chính sách nhằm thể hiện sự quan tâm của đảngvà nhà nước và truyền thống nhân văn của dân tộc có từ hàng ngàn năm lịch sử, cũng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các gia đình chính sách.
Thứ hai: Vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Diện tích đất dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải nằm trên hệ thống nước tưới tiêu cho đồng ruộng ở phía sau nhà máy. Như vậy khi nhà máy được xây dựng thì toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở phía trong của chúng tôi không có nước tưới. Do vậy toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở bên trong chúng tôi không thể canh tác được. Nhân dân chúng tôi đã yêu cầu, đề nghị chủ đầu tư dịch chuyển nhà máy vào phía trong nhưng không được chấp nhận. Chúng tôi mong các bậc trí thức, những người có trí tuệ chỉ rõ cho chúng tôi việc yêu cầu như vậy có đúng không?. Việc xây dựng nhà máy tại đây có hợp lý không? Đây đã là giải pháp tốt nhất cho việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Từ Sơn?
Thứ ba: Giải thích rõ cho chúng tôi hiểu về việc xây dựng nhà máy.
Phối cảnh tổng thể Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn
Nhìn vào mô hình tổng thể của nhà máy nhân dân chúng tôi thấy nhà máy được xây dựng rất đẹp và khang trang nhưng vị trí có vẻ không giống với thực tế. Chúng tôi không hiểu nhà máy xử lý nước thải thì có cần phải có bể chứa nước thải chưa được xử lý hay không? Nếu có thì bể chứa đó được xây dựng ở đâu và xây dựng như thế nào? Còn không có bể chứa thì nước thải được dẫn trực tiếp vào nhà máy, được xử lý luôn và đổ nước ra ngoài (Công nghệ xử lý chắc rất hiện đại)? Việc dẫn nước thải của các làng nghề đến nhà máy được thực hiện như thế nào? Nước thải sinh hoạt của nhân dân chúng tôi (dân Trịnh Nguyễn) có được gom đưa vào nhà máy để xử lý và gom như thế nào? Sau khi nước thải đã được xử lý thì đổ ra bên ngoài như thế nào, có ảnh hưởng đến chất lượng nước dùng cho nông nghiệp và việc kiểm soát chất lượng nước như thế nào? Nhà máy được thi công trong thời gian bao nhiêu lâu, có thực hiện đúng với mục tiêu của dự án không? Dự án không đảm bảo với yêu cầu đề ra của dự án (không giải quyết được việc ô nhiễm môi trường của các làng nghề) thì lãnh đạo có chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Khi đó ai, cán bộ nào sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân và hình thức xử lý như thế nào?
Chúng tôi phải đặt ra các câu hỏi trên vì người dân chúng tôi được biết nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp sau khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong thì để đấy không làm gì hoặc làm có hình thức trong khi đó người dân địa phương lại không có đất sản xuất. Chúng tôi mong các vị nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học giúp đỡ người dân chúng tôi, cùng chúng tôi làm rõ các vấn đề trên.
Thứ tư: Mức đền bù đất là quá thấp. Người dân chúng tôi được đền bù khoảng gần 200 triệu đồng cho một sào đất (360 m2). Với mức đền bù này người dân chúng tôi không thể làm gì được. Sau một thời gian ngắn số tiền đó sẽ hết, người dân chúng tôi sẽ chết đói, con cháu chúng tôi không thể tới trường được. Chúng tôi sẽ là những người thất nghiệp, không việc làm và không có nguồn tiền để sinh sống. Nếu nhà nước lấy đất thì phải bảo đảm cho dân chúng tôi có việc làm, có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống cho chúng tôi. Thế hệ con cháu chúng tôi sống bằng gì khi mà ruộng là nguồn nuôi sống chúng tôi và con cháu chúng tôi mai sau?
Thứ năm: Đất nước ta ở vùng núi, vùng  hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn nghèo. Các em nhỏ chưa có trường lớp, bệnh viện, đường xá đi lại không tiện lợi. Đời sống của bà con và nhân dân ở vùng đó còn gặp nhiều khó khăn. Số tiền của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải khoảng 200 tỷ đồng này đề nghị chuyển lên các vùng khó khăn để xây trường, xây lớp, xây bệnh viện, làm đường cho các vùng miền núi, hải đảo và vùng xâu, vùng xa.
Trên đây là mấy điều người dân Trịnh Nguyễn ngỏ lời với các vị nhân sĩ trí thức. Mong các vị bằng khả năng, trình độ hiểu biết của mình hãy giúp người dân chúng tôi (những người ít hiểu biết) có được sự công bằng, đảm bảo được cuộc sống của mình. Chúng tôi không muốn chống lại chính quyền nhưng chúng tôi cũng không muốn mình sẽ bị chết đói, không đảm bảo cuộc sống của mình và con cháu sau này. Nếu những điều ở trên mà người dân chúng tôi chưa được sáng tỏ thì chúng tôi sẵn sàng chết để giữ lại mảnh ruộng của mình để con cháu chúng tôi được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Kính mong các vị nhân sĩ trí thức lưu tâm đến người dân chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các vị đến điều tra, nói chuyện phân tích cho chúng tôi hiểu rõ các vần đề liên quan.
Thay mặt hai giới các cụ và nhân dân Trịnh Nguyễn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến