Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa

(VTC News) - Tượng Phật trong chùa Một Cột - một biểu tượng văn hóa Hà Nội - phải đội nón, mặc áo mưa mỗi khi trời mưa vì tình trạng dột nát và xuống cấp của chùa.


>> Tượng Chùa Một cột đội nón, áo mưa, lãnh đạo quận nói gì?

Đến thăm ngôi chùa Diên Hựu - Một Cột có lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo nằm ngay gần Lăng Bác vào những ngày mưa lớn, rất có thể nhiều người sẽ phảingỡ ngàng trước hình ảnh tượng Phật đội nón, mặc áo mưa, còn các sư trong chùa phải đứng co ro trong làn nước xâm xấp dưới chân. Mỗi lần mưa xuống là trên thì dột, dưới sàn thì lênh láng nước.
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Trụ trì Thích Tâm Kiên mô phỏng cảnh tượng Phật đội nón, mặc áo mưa những hôm mưa lớn. 
Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì ngôi chùa còn chỉ cho người viết thấy rất nhiều cá rô từ bên ngoài vào hồ sau mỗi trận mưa lớn, chúng ở lại đó sống luôn.
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Rất nhiều cá từ ngoài vào hồ sau trận mưa lớn  

Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Có khi nước dâng cao tới tận nơi đại sư chỉ
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, chùa bắt đầu dột từ năm 2002 và tình trạng dột nát ngày càng trở nên nghiêm trọng, các hạng mục của quần thể di tích xuống cấp một cách đáng báo động. 

Mỗi khi vào mùa mưa bão là sư trụ trì cùng các sư trong chùa lo ngay ngáy, bởi quá nhiều vết dột nát trên mái ngói, nước mưa rơi trực tiếp xuống các pho tượng, kèo gỗ bên trong, khiến các pho tượng cứ hỏng dần đi, còn ngói và kèo gỗ trên mái chùa thì lúc nào cũng cảm giác có thể rơi xuống. 

Nước ngập lênh láng sau mỗi trận mưa còn làm mục hết các chân cột và làm hỏng nền chùa. Hệ thống thoát nước dù có hoạt động hết công suất vẫn không giải quyết được tình trạng này. Sau mỗi trận mưa lớn, đủ loại rác rưởi, bùn đất theo nước trôi vào chùa. 
Đại sư Thích Tâm Kiên còn nhớ vào ngày 8/8/2011, một trận mưa to đã làm nước tràn vào nhà thờ Tổ gây ngập đến 20cm.

Bà Đặng Thị Bình, người đã gắn bó với ngôi chùa từ năm 19 tuổi, đến nay cũng đã gần 40 năm không khỏi xót xa: Mỗi lần trời mưa khổ lắm, mọi người cứ phải cuống cuồng đi che cho từng bức tượng, hứng chỗ nọ lại dột chỗ kia, nhà thì ngập rác bẩn, bao nhiêu năm rồi kêu mãi mà chẳng có ai thưa.

Tối hậu thư - "tâm thư" từ chùa Một Cột


Cách đây ít ngày, Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột có gửi một tối hậu thư với những lời lẽ chất chứa tha thiết mong muốn được UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các nhà sử học… để nhanh chóng trùng tu tôn tạo chùa.

>> Tượng Chùa Một cột đội nón, áo mưa, lãnh đạo quận nói gì?

Đi kèm với mong muốn ấy là tối hậu thư của trụ trì chùa Diên Hựu – Một Cột: Sau 30 ngày kể từ ngày lá đơn được gửi đi, nếu không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải, đảo ngói toàn bộ Chùa và Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới.
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Ngôi chùa có phần xuống cấp khá nghiêm trọng
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa
Bức tối hậu thư ngay lập tức đã gây chấn động dư luận, bởi đây đã là lần thứ 10 chủ trì ngôi chùa nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo của Việt Nam này phải lên tiếng kêu cứu chính quyền trước tình trạng xuống cấp của chùa Một Cột. Và những lần trước, lời kêu cứu đều rơi vào im lặng. 

Thêm một lý do nữa khiến dư luận ồn ào, đó là bài học nhãn tiền về một phần ngôi chùa Trăm Gian vừa bị phá nát cách đây chưa lâu.

Được biết vào ngày 20/4/2008, Đại đức Thích Tâm Kiên đã có tờ trình lên UBND TP Hà Nội để kiểm tra xem xét và có kế hoạch trùng tu tôn tạo, nhưng sau 5 năm, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức sửa chữa một vài hạng mục nhỏ cho đại lễ một nghìn năm Thăng Long vào năm 2010. Mà tình trạng dột nát đã bắt đầu từ năm 2002, nghĩa là đến nay đã được 11 năm.
Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông năm Kỷ Sửu 1049. Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. 

Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà.

Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

Năm 1954, quân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ.

Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962.

Đến năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á cho chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.

Xem thêm những hình ảnh xuống cấp của chùa Diên Hựu - Một Cột: 
Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa


An My

Ảnh: Nhạc Dương
Xem thêm:

"Bi kịch" của chùa Một Cột

(Dân trí) - Quá nóng ruột về sự xuống cấp chùa Một Cột ngày càng nghiêm trọng, dự án trùng tu được lập 5 năm trước vẫn “đắp chiếu”, Đại đức Thích Tâm Kiêm gửi “tâm thư” lên UBND Hà Nội với nội dung sau 30 ngày nếu không có ý kiến sẽ tự tìm biện pháp…
 >>  Hình ảnh chùa Một cột kêu cứu trong vô vọng

Cứ mưa là trong nhà cũng như ngoài sân
Được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tổ, trải qua gần 1.000 năm, nhiều hạng mục trong chùa Diên Hựu - Một Cột đã xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh chùa, Đại đức Thích Tâm Kiên chỉ không xuể những hạng mục trong tam bảo, nhà mẫu, liên hoa đài đang “mắc bệnh” và cần được sửa chữa trong thời gian sớm nhất.
Mái ngói chùa Diện Hựu bị hư hỏng từ nhiều năm trước
Mái ngói chùa Diện Hựu bị hư hỏng từ nhiều năm trước
Nguyên nhân chính khiến sự xuống cấp của ngôi chùa này được Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, là do mái ngói của chùa đã bị hỏng nhiều phần. “Bất kể mưa to, mưa nhỏ tam bảo, nhà mẫu, liên hoa đài đều bị dột tứ bề. Vì vậy, nước thấm vào làm phần kết cấu gỗ của ngôi cổ tự này xuống cấp. Nhiều lần chúng tôi phải mặc áo mưa, đội nón cho phật khỏi ướt”, thầy Kiên bùi ngùi nói.
Nhiều trận mưa to biến chùa Diên Hựu - Một Cột  thành biển nước mênh mông. Chùa nằm ở vị trí lòng chảo, mỗi khi mưa to, khuôn viên chùa trở thành một hồ chứa nước và là nơi hứng chịu bùn, rác dồn xuống. Thầy Kiên cho biết, khi chùa đã ngập, nhanh cũng phải mất 4-5 tiếng nước mới rút hết. Có trận mưa khiến cho chùa phải ngâm trong nước mất nửa ngày.
Đứng bên trong chùa, ngước lên mái, nhiều chỗ chúng tôi nhìn thấu cả trời xanh. Trải qua thời gian, mái ngói cũng bị xô lệch khắp nơi. Kết cấu gỗ của ngôi chùa do bị nước mưa thấm, mối mọt xâm lấn nên cũng bị mục ruỗng khá nhiều. Do nhiều lần bị ngâm trong biển nước, nên nền móng có cảm giác rất yếu. Vôi vữa của chùa Diên Hựu chỉ cần vỗ nhẹ là rơi lả tả xuống đất…
Trong “tâm thư” gửi UBND thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột, Thích Tâm Kiên có nhấn mạnh rằng: “Sau 30 ngày (tính từ 2/5), chính quyền không có ý kiến, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát trong mùa mưa bão. Tôi rất mong chính quyền sớm vào cuộc để ngôi chùa sớm được trùng tu tôn tạo”.
5 năm kêu cứu nhưng... vô vọng
Chia sẻ với chúng tôi về sự xuống cấp của ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và có giá trị văn hóa, lịch sử với người dân Thủ đô cũng như cả nước, Đại đức Thích Tâm Kiên không dấu nổi vẻ buồn rầu vì đã hàng chục lần ông gửi thư cho cơ quan chức năng chỉ rõ về sự xuống cấp nhiều hạng mục nhưng… vô vọng.
Gỗ của chùa Diên Hựu bị mục nát
Gỗ của chùa Diên Hựu bị mục nát
Ngày 20/4/2008, là lần đầu tiên Đại đức Thích Tâm Kiên lên tiếng về sự xuống cấp của ngôi chùa. “Nhiều hạng mục bị xuống cấp nên ngày đó, tôi có tờ trình lên UBND thành phố Hà Nội đề nghị để kiểm tra xem xét và có kế hoạch trùng tu tôn tạo. Tính đến nay đã hơn 5 năm, sự việc chùa xuống cấp đã được đồng bào phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước bức xúc. Hiện trạng, cứ mưa to là tượng phật phải choàng áo mưa và sân chùa bị ngập úng khiến nhà chùa rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới”, Đại đức Thích Tâm Kiên bày tỏ.
Vì lo cho sự xuống cấp của ngôi chùa nên hơn 5 năm qua, trước mỗi mùa mưa bão, Đại đức Thích Tâm Kiên đều gửi thư lên cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc khắc phục những hạng mục đã bị xuống cấp và sớm xem xét thực hiện dự án trùng tu lại. Trong thư, nhà chùa cũng chỉ mong UBND thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền quan tâm, nhanh chóng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cấp, ngành, các nhà khoa học… để nhanh chóng trùng tu, tôn tạo chùa Diên Hựu – Một Cột.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, chùa xuống cấp như vậy nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì rõ ràng để ngôi chùa sớm được trùng tu, tôn tạo. Chính vì vậy, nhà chùa buộc phải tiếp tục gửi “tâm thư” lên UBND thành phố Hà Nội. “Đây là di tích chung chứ không phải của riêng nhà chùa. Bản thân tôi làm đơn cũng chỉ mong chính quyền sớm và cuộc đưa ra giải pháp để trung tu, tôn tạo chùa”, Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.
Năm 2009, UBND quận Ba Đình đã có quyết định tu bổ, tôn tạo Từ Tam quan đến Tam bảo, nhà thờ Mẫu, sân chùa, xây mới nhà tăng, phục chế nhà tổ tất cả các hạng mục của chùa Diên Hựu và giao cho Ban quản lý Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Sau đó gần nửa năm, UBND Hà Nội có đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích…
Từ đó đến nay, ngôi chùa vẫn xuống cấp, dự án cải tạo chùa vẫn “đắp chiếu”. Theo nhà chùa, lý do việc trùng tu, tôn tạo chùa đang bị vướng mắc ở khâu giải quyết thủ tục dự án. Nếu Nhà nước cho phép thì rất nhiều phật tử hảo tâm sẽ cùng với nhà chùa lo một nửa kinh phí, thậm chí là toàn bộ kinh phí.
Trước sự lên tiếng trên, mấy ngày qua lãnh đạo quận Ba Đình và địa bàn cũng xuống xem xét và chia sẻ với nhà chùa. Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, UBND quận Ba Đình có nói ngày 15/5 tới, quận sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cơ quan chức năng, nhà khoa học… để đưa ra quyết định cuối cùng.
Quang Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến