Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Tưởng niệm người chết để nhắc nhở người sống và sống sao cho nhân bản với nhau trong tương lai



Nguyễn Chí Đức - Bỗng nhiên tôi chạnh lòng nghĩ đến những người yêu nước của các đảng phái quốc gia thời kỳ chống Pháp bị Cộng Sản dẫn dụ và cuối cùng bị thủ tiêu chẳng qua do muốn độc bá, độc quyền yêu nước. Tôi cũng suy tư tới những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nói chung cùng là người Việt trong sâu thẳm ai chẳng có tình yêu gia đình, gắn bó với quê hương, tình tự dân tộc. Có ai muốn bỏ mạng, mất một phần máu xương nơi chiến trường nhưng rồi cuối cùng do thua trận mà bị tuyên truyền là ngụy, con cháu bị ghi lý lịch đen tới ba đời đâu cơ chứ? Tàn dư phong kiến vẫn được áp dụng trong chế độ Cộng Sản. Vậy phải chăng chế độ hiện nay là một chế độ phong kiến trá hình trong khi lúc nào cũng ra rả tuyên truyền về cách mạng, về dân chủ?...

*

Dạo trước ở cty tôi có hay nói chuyện phiếm với một anh đồng nghiệp là công an chuyển ngạch về các vấn đề xã hội. Có lần tôi nói với anh này rằng chuyện tôn vinh ngày thương binh liệt sỹ 27-7 của chế độ Cộng Sản chủ yếu để giáo dục cho thanh niên, các sỹ quan quân đội đang cắm chốt tại biên giới, hải đảo chắc tay súng, vững ý chí chiến đấu bảo vệ tổ quốc mà thôi. Chứ còn đối với những người đã mất họ chẳng bao giờ mong và nghĩ đến một ngày nào đó được vinh danh ở các tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ. Những người ngã xuống vì tiếng gọi non sông, tình yêu quê hương đất nước mà nhập ngũ hay xung phong khi có lệnh tổng động viên chứ không phải vì chủ thuyết nào mỹ miều hay bả danh lợi gì đó. Tuy nhiên đạo lý tốt đẹp của người Việt nhằm tôn vinh những người vị quốc vong thân trong môi trường Cộng Sản cũng bị méo mó, bị toan tính nhằm mục đích chính trị cho các thành phần lãnh đạo hơn là cho đại cuộc của quốc gia-dân tộc.

Chẳng nói đâu xa, những năm gần đây chính quyền Cộng Sản có chiều hướng chỉ ca ngợi, tôn vinh những người trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp trong khi đối với những thương binh, liệt sĩ chống Tàu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc rất hiếm khi được phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng và sách giao khoa dạy cho con trẻ. Nếu chẳng đặng đừng phải đề cập thì họ không dám nhắc đến 2 từ “Trung Quốc”. 

Còn đối với người sống ở miền Nam hay Hải ngoại thì thực tế hiện nay phân nửa là những người có liên quan dù ít hay nhiều đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì chính quyền Cộng Sản ca ngợi thái quá về tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa xuân 1975 khiến cho cuộc chiến tranh này vẫn tiếp tục gây ra dư luận cho đến ngày hôm nay. Tôi cho rằng họ cố tình gây chia rẽ khiến cho bên thua trận bị tổn thương nhưng bên thắng trận cũng không lấy làm vẻ vang và tự hào gì khi sự thật đã được bạch hóa nhan nhản trên Internet. Ở đây tôi nhấn mạnh là thua trận và thắng trận, chứ còn về đường lối chính trị theo xu hướng thế giới có khi phải nói ngược lại: bên thua trận thì thắng chung cuộc, còn bên thắng trận thì thua chung cuộc. 

Những người yêu nước đặt vòng hoa tưởng niệm 
tại tượng đài vua Quang Trung. Ảnh : JB Nguyễn Hữu Vinh 

Hôm nay tại Hà Nội, tôi có may mắn hòa cùng mọi người đứng trước tượng đài vua Quang Trung tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trước Trung Quốc xâm lược. Nguyên nhân phải đến đây vì lực lượng bảo vệ của quân đội tại đài tưởng niệm liệt sĩ trên đường Bắc Sơn gây khó dễ khiến cho buổi dâng hoa, thắp hương không được diễn ra. Có ý kiến kéo nhau ra Gò Đống Đa để thành kính mong hồn thiêng sông núi, vua Quang Trung, các vị anh hùng dân tộc phù hộ độ trì nhằm bảo vệ đất nước thoát khỏi sự ác hiểm của ngoại bang cũng như nội thù. 

Bỗng nhiên tôi chạnh lòng nghĩ đến những người yêu nước của các đảng phái quốc gia thời kỳ chống Pháp bị Cộng Sản dẫn dụ và cuối cùng bị thủ tiêu chẳng qua do muốn độc bá, độc quyền yêu nước. Tôi cũng suy tư tới những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nói chung cùng là người Việt trong sâu thẳm ai chẳng có tình yêu gia đình, gắn bó với quê hương, tình tự dân tộc. Có ai muốn bỏ mạng, mất một phần máu xương nơi chiến trường nhưng rồi cuối cùng do thua trận mà bị tuyên truyền là ngụy, con cháu bị ghi lý lịch đen tới ba đời đâu cơ chứ? Tàn dư phong kiến vẫn được áp dụng trong chế độ Cộng Sản. Vậy phải chăng chế độ hiện nay là một chế độ phong kiến trá hình trong khi lúc nào cũng ra rả tuyên truyền về cách mạng, về dân chủ? 

Tôi cũng liên tưởng đến cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn – nhà Nguyễn, trớ trêu làm sao ông Tổ gần (nhánh đi vào Nghệ An) của tôi hận Tây Sơn đến mức ghi hẳn vào gia phả. Có lẽ bối cảnh thời đó loạn lạc khiến cho các anh tài khắp các vùng miền nổi lên tập hợp lực lượng và chuyện người thắng, kẻ thua là lẽ dĩ nhiên. Nhưng rõ ràng ở bối cảnh bây giờ, lí trí bình thường nhất cũng hiểu Quang Trung là anh hùng dân tộc có công đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Ngược lại mới vài năm gần đây khi chưa từ bỏ ĐCSVN, tôi vẫn đủ lý trí để phân tích không phải cứ cái gì Cộng Sản tuyên truyền là giặc, là phản nước hại dân có nghĩa là đúng mà có khi phải hiểu ngược lại chẳng qua muốn độc bá nên họ có ý đồ bôi nhọ người ta. 

Thực ra bài viết này tôi muốn gửi gắm cho những vị lãnh đạo Cộng Sản đang cầm quyền hơn là bạn đọc thường quan tâm đến các vấn đề chính trị vì tôi cam đoan là họ thừa hiểu lịch sử, thừa hiểu mọi vấn đề hơn tôi do họ từng là người trong cuộc có điều kiện tiếp cận thông tin. Nhưng theo xu thế thời đại họ không thể ham hố quyền lực mãi được. Càng rắp tâm có ý định đó, càng dùng công an để đàn áp dân lành, bịt miệng những tiếng nói tự do thì chế độ Cộng Sản càng mất dần đi những tình cảm còn sót lại của những người dân đen vốn không bị những áp bức bất công gây nên, còn phần lớn xã hội thì ai ai cũng chán nản lắm rồi. Hơn nữa, những người là cựu chiến binh, lão thành Cộng Sản chân chính cũng không thể ôm khư khư, hoài niệm về quá khứ trong khi xã hội thì đã thay đổi khác xa với thời của họ dấn thân. Đó là những người có lương tri, nhân phẩm của người Việt. Họ chẳng dại gì làm bình phong cho các ông lãnh đạo dùng người này, người kia có uy tín để trấn an dư luận. Theo suy nghĩ của tôi thì họ thay vì có danh là nhân sĩ, trí thức của chế độ chỉ có tiếng vang nhất thời do Cộng Sản ca tụng mà phải là Nhân sĩ-Trí thức dấn thân của dân tộc thì tiếng thơm muôn thở và được các tầng lớp nhân dân kính trọng. 

Chúng ta tưởng niệm cho người chết dù là anh hùng liệt sĩ, bỏ mạng nơi biển cả đi tìm tự do, oan hồn tức tưởi trong Cải Cách Ruộng Đất... nhưng chính là nhắc nhở cho người sống để mà yêu thương, để mà hàn gắn, để mà tha thứ cho nhau. Vì xét chung cuộc chúng ta không đủ mạnh về tư tưởng, đủ tự lực-tự cường và đủ yêu thương lẫn nhau khiến cho các nước lớn chi phối và áp đặt. Từ đó dẫn đến việc chúng ta bị chia rẽ theo bên này hoặc bên kia, cuối cùng là chém giết lẫn nhau và hệ lụy đó còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến