Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Global Witness: Crédit Suisse coi nhẹ nhân quyền trong vụ Hoàng Anh Gia Lai

Một nhà máy chế biến cao su của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai  (DR)
Một nhà máy chế biến cao su của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (DR)

Thụy My
Trong thông cáo được công bố hôm nay 13/12/2013, tổ chức phi chính phủ Global Witness có trụ sở tại Anh và Mỹ chỉ trích ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đã làm ngơ vấn đề nhân quyền, khi trở thành cổ đông định chế lớn nhất của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ hai tuần sau khi tổ chức này công bố báo cáo « Những ông trùm cao su ».

Báo cáo chi tiết được công bố ngày 13/05/2013 tố cáo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên san bằng đất đai, phá rừng ở Cam Bốt và Lào để trồng cao su. Báo cáo « Những ông trùm cao su » của Global Witness cũng tiết lộ một loạt các nhà đầu tư quan trọng đang nắm giữ các cổ phần ở Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong đó có CBR Investments, Deutsch Bank và International Finance Corporation (nhánh đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới).
CBR Investments có trụ sở ở Thụy Sĩ sau đó đã thoái vốn. Ông Christian Rosenow, giám đốc điều hành của công ty này nói với Global Witness: « Chúng tôi điều hành một quỹ trong đó HAGL là một trong những đầu tư lớn nhất. Sau khi đọc báo cáo, biết được các hoạt động của tập đoàn này tại Cam Bốt không tuân thủ các nguyên tắc về môi trường, xã hội, chúng tôi đã bán toàn bộ cổ phần tại HAGL, chỉ vài ngày sau khi báo cáo được công bố ».
Global Witness phàn nàn, cho dù vụ này đã gây ra nhiều tai tiếng, hôm 28/5 Credit Suisse đã trao đổi các cổ phiếu đang nắm giữ ở HAGL để nắm lấy 10% cổ phần của tập đoàn, trở thành cổ đông lớn thứ nhì sau nhà sáng lập và ông chủ của HAGL là ông Đoàn Nguyên Đức.
Bà Megan MacInnes của tổ chức phi chính phủ Global Witness tuyên bố : « Điều này hết sức đáng ngại. Credit Suisse đã trở thành một cổ đông chính của HAGL ngay đó, trong khi các nhà đầu tư có trách nhiệm lẽ ra phải tẩy chay ».
Thông cáo cho biết, Global Witness đã liên hệ với Credit Suisse vào tháng 6/2013, và được trả lời rằng ngân hàng này buộc phải giữ các cổ phiếu của HAGL trong vòng tối thiểu 12 tháng. Credit Suisse cũng khẳng định đã thực hiện việc thẩm định trước khi mua cổ phiếu, và « lúc đó không thấy có quan ngại nào đặc biệt ». Còn việc hoán đổi trái phiếu thì không có thẩm định trước đó.
Theo Global Witness, hành động trên trái ngược hẳn với quan điểm của Credit Suisse, theo như tuyên bố trước đây của ngân hàng này năm 2011 : « Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các công ty trong lãnh vực công nghiệp mà các hoạt động có thể vi phạm đến quyền của các cộng đồng địa phương hay cư dân bản địa ».
Bà Megan MacInnes nói thêm : « Credit Suisse nói điều hay lẽ phải, nhưng đã tích cực hỗ trợ cho việc chiếm đất ở Cam Bổt và Lào khi tài trợ cho tập đoàn này ». Bà đặt câu hỏi, ngân hàng đã tham gia ký kết Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp), và Các nguyên tắc Ecuador (về các nguy cơ môi trường và xã hội của các định chế tài chính), vì sao lại lợi dụng sự cơ cực của những người bị mất đất và rừng vào tay HAGL ?
Thông cáo nói rằng từ tháng 8/2012 Global Witness đã nhiều lần yêu cầu HAGL điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với luật pháp địa phương, và giải quyết các tranh chấp với các cộng đồng liên quan. Tuy nhiên điều tra của tổ chức này với các dân làng bị ảnh hưởng cho thấy chỉ có rất ít tiến triển trên thực địa. Ngày 13/11/2013, HAGL đã bác bỏ các nhận xét trên, cho rằng các thông tin của Global Witness là « không đáng tin cậy ».
Tổ chức Global Witness kêu gọi Credit Suisse xem lại tiến trình thẩm định, nhằm đảm bảo việc đầu tư theo mô hình phát triển bền vững, hơn là hỗ trợ cho việc chiếm đất và phá rừng.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131213-global-witness-chi-trich-ngan-hang-credit-suisse-lam-ngo-truoc-nhan-quyen-khi-tro-t

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến