Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Đảng sẽ làm gì nếu phê và tự phê không hiệu quả?

2012-10-02
Nhiều ý kiến cho rằng chiến dịch phê và tự phê để chỉnh đốn, mà Đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện thực sự không có hiệu quả vì những khó khăn, thách thức chưa từng có mà Đảng đang phải đối mặt.

Courtesy chinhphu.vn
Buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI tại Hà Nội hôm 01 tháng 10 năm 2012.

Mất lòng tin?

Vào tháng giêng năm nay, Tổng bí thư Đảng cộng sản  Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường được biết đến là nghị quyết 4. Đây là một nghị quyết có thể coi là rất nổi tiếng vì nó đề cập đến một loạt các khó khăn thách thức mà Đảng cộng sản đang phải đối mặt. Đảng kêu gọi thực hiện một chiến dịch phê và tự phê rộng khắp trên toàn quốc. Mục tiêu mà Đảng đề ra là để xây dựng một Đảng cách mạng chân chính, trong sạch vững mạnh, và củng cố niềm tin trong dân. Nhưng đã hơn nửa năm trôi qua từ khi nghị quyết trung ương ra đời, với nhiều tuần lễ thực hiện phê và tự phê từ trung ương đến địa phương, người dân vẫn chưa cảm thấy thực sự tin tưởng vào kết quả từ việc thực hiện nghị quyết 4.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng viện Xã hội học Việt Nam, Đảng viên cộng sản kỳ cựu, nhận xét:


Uy tín của Đảng xuống quá thấp, sau những chuyện như vừa rồi thì người ta thấy chuyện phê và tự phê chỉ làm mất thời giờ.
GS Tương Lai
“Cái thách thức lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là làm sao lấy lại được lòng tin của dân. Nếu lấy lại được lòng tin của dân thì mới tính đến chuyện phê và tự phê, rồi chống tham nhũng, rồi loại bỏ một số không nhỏ những Đảng viên thoái hóa biến chất. Vấn đề của Đảng hiện này là uy tín của Đảng xuống quá thấp, sau những chuyện như vừa rồi thì người ta thấy chuyện phê và tự phê chỉ làm mất thời giờ mà không đi đến kết quả nào cả.”
Nghị quyết trung ương 4 của Đảng nêu rõ công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém kéo dài nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Cũng chính bởi nhìn thấy nguy cơ này mà Đảng cộng sản kêu gọi thực hiện chiến dịch phê và tự phê rộng khắp từ khoảng cuối tháng 7 vừa qua cho đến nay. Tuy nhiên theo nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thanh Giang, hoạt động này không nhắm được vào thực chất của vấn đề cần phải được chấn chỉnh. Ông nói

000_Hkg4476050-250.jpg
Các đại biểu của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 trong phiên họp bế mạc tại Hà Nội ngày 19 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO.
“Từ ngày đề ra nghị quyết Trung ương 4 đến giờ đã nhìn thấy cái gì? Có thấy trung ương, bộ chính trị kiểm điểm phê và tự phê về các nhiệm vụ lớn của bộ chính trị, của trung ương Đảng, phải kiểm điểm cái gì? Phải kiểm điểm vấn đề chủ trương đường lối, sai chỗ nào, đúng chỗ nào, cần uốn nắn chỗ nào không? Cái đó mới là việc của trung ương, của bộ chính trị, chứ đâu phải chỉ là chuyện có ăn vụng, tham nhũng đâu. Cái ăn vụng, tham nhũng là vấn đề nhỏ, vấn dề là anh có tài, có tâm đưa ra đường lối đúng đắn.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, hiện trạng 70% các vụ khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai, trong đó có từ 80 đến 90% vụ khiếu kiện đúng cho thấy chủ trương đường lối của Đảng phải có chỗ sai và cần phải sửa.

Sụp đổ về học thuyết

Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khác mà theo nhận xét của nhà báo Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập báo nhân dân, còn gấp trăm ngàn lần những khó khăn mà Đảng cộng sản đã từng gặp trước đây:
“Tình hình bây giờ khác trước nhiều lắm, là do thế này, một là tình hình quốc tế, cả học thuyết của họ sụp đổ rồi, tại gốc, tại tổ quốc của ông Mác, Lê Nin, của ông Stalin mà họ coi là tổ quốc chính của họ, nơi phát sinh ra học thuyết của họ. Thì cái đó là cái khó khăn nhất. Chủ nghĩa cộng sản không còn nữa thời kỳ phát triển hưng thịnh, đang trong giai đoạn thoái trào, thậm chí bị tiêu giệt tận gốc rồi. Họ vẫn mạnh vì họ có quân đội, nhà tù, tòa án của họ. Nhưng sự sụp đổ về học thuyết và về chế độ họ làm chỗ dựa đã là một cái hụt hẫng ghê gớm. Cái thứ hai quần chúng trong thời mở cửa đã được nghe, được tiếp xúc với thông tin bên ngoài khác hẳn trước rồi. rồi internet, mạng tự do lại bồi thêm vào nữa, dù một số, mới có mấy chục triệu người có máy và coi tin trên mạng, nhưng thế cũng đủ để lan truyền các nguồn tin trong xã hội để đối lập với nguồn tin chính thức của Đảng. Thậm chí đến bây giờ nguồn tin chính thức của Đảng còn không được uy tín, được đọc như của nước ngoài và của các blogger trong nước. Thế cũng là ghê gớm rồi. Trước kia họ chỉ cho người dân xem một tv của họ, sang nghe một loa của họ, thì bây giờ khác rồi. người ta nghe đủ hướng, nên nhận thức của người dân đã khác.”

Tình hình bây giờ khác trước nhiều lắm, một là tình hình quốc tế, cả học thuyết của họ sụp đổ rồi.
Ô. Bùi Tín
Về mặt đối ngoại, Đảng cộng sản Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn từ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông. Tranh chấp này đã trở nên căng thẳng trong vòng vài năm trở lại đây sau những hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển. Điều này đã đẩy mạnh tinh thần dân tộc của người dân trong nước, thể hiện qua các cuộc biểu tình liên tục vào năm ngoái và năm nay tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, chính quyền đã trấn áp những cuộc biểu tình này khi bắt giữ những người biểu tình ôn hòa và buộc tội họ là gây rối trật tự công cộng, thậm chí gán chọ họ cái mác là bị thế lực xấu lôi kéo kích động. Trong số những người biểu tình, có không ít người là những Đảng viên và trí thức yêu nước.
Trước tình hình này, từ năm 2011 đến nay, các trí thức yêu nước bao gồm một số Đảng viên lâu năm đã 3 lần gửi các kiến nghị đến chính phủ và bộ chính trị để kêu gọi đổi mới, cải cách để bảo vệ và phát triển đất nước. Trong các kiến nghị này, các trí thức Việt nam luôn nhấn mạnh đến nguy cơ từ Trung Quốc. Theo giáo sư Tương Lai, một trong những người tham gia ký tên vào các bản kiến nghị, thì nguy cơ này còn lớn hơn các nguy cơ trong nội bộ Đảng.
“Trong khi đó nguy cơ lớn nhất là gì, là tình hình của thế lực ngoại xâm hoành hành ngoài biển đông với tất cả những thủ đoạn trắng trợn, vừa nham hiểm, chưa thấy tập trung sức đối phó. Trong khi đó lại tập trung vào chấn chỉnh nổi bộ nhưng cho đến hiện nay thì chưa có gì để chứng tỏ cuộc chấn chỉnh nội bộ này đưa lại kết quả cả. Điều này làm mất lòng dân, và khi một Đảng lãnh đạo mất lòng dân thì đó là thách thức lớn nhất.”
Cho đến lúc này hoạt động phê và tự phê trong Đảng vẫn đang tiếp tục diễn ra ở khắp nơi. Báo chí của Đảng cũng liên tục đưa các tin bài về hoạt động được miêu tả là hết sức nghiêm túc này. Cuối chiến dịch, chắc những người lãnh đạo Đảng sẽ phải tự hỏi Đảng đã đạt được gì sau đợt phê và tự phê này, và chắc chắn câu hỏi về lòng dân cũng cần phải được trả lời. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Đảng còn có thể làm gì để lấy lại và duy trì lòng tin trong dân sau đợt phê và tự phê này?

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến