Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Mặc cờ đỏ sao vàng đi đòi đất, đẹp lắm chứ!

Hoàng Hưng
Dư luận đang ồn lên vì câu nói của ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 27/9/2012 khi đề cập hiện tượng nông dân ngoại thành biểu tình đòi xử lý những vụ chiếm đất trái pháp luật của các cấp chính quyền:"Việc làm của bà con là bày tỏ nguyện vọng của mình, nhưng mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất đã làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao".
Nhiều người “ném đá” ông Thảo trên mạng. Riêng tôi, xét thấy cũng có thể thông cảm cho ông, một nhà “kỹ trị” xuất thân kiến trúc sư, thực ra cũng chỉ là một viên chức hành chính, đòi hỏi ông có “tầm” của một nhà lãnh đạo vì dân là điều không tưởng, đòi hỏi ông biết ăn nói khôn khéo như một “chính khách” đúng nghĩa cũng bất khả. Thực ra, ông Thảo chỉ nói đúng những gì ông thấm nhuần từ cả một nền văn hóa quan chức đã thâm căn cố đế. Vậy nên, tôi chỉ muốn nhân câu nói của ông mà tản mạn sang những điều rộng lớn hơn, để cho ông cũng như các vị quyền cao chức trọng hơn ông cùng suy ngẫm.

Điều đầu tiên tôi ghi nhận trong câu nói của ông Thảo: “Việc làm của bà con (biểu tình – HH) là bày tỏ nguyện vọng của mình”. Nhận thức này tiến bộ nhiều so với câu nhận định của ông hai tháng trước: "Vào ngày cuối tuần đã diễn ra tình trạng tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Tuy nhiên đa số những người tham gia là những người khiếu kiện về đất đai, bị lợi dụng để gây phức tạp an ninh – trật tự" (Baomoi.com 148/8880881.epi). Câu này đã bị “ném đá” nhiều rồi, tôi không cần nói thêm. Dẫn ra chỉ để ghi nhận “tiến bộ” trong câu mới. Tất nhiên một viên chức cỡ ông Thảo chẳng thể tự mình thay đổi nhận thức. Ông phải dựa vào thái độ của cấp trên. Sau những phản ứng quyết liệt liên tiếp của nông dân cả nước bị dồn đến đường cùng, các nhà lãnh đạo của ông đã phải thừa nhận (công khai hoặc ngầm) tính chính đáng của việc bà con nông dân biểu tình đòi đất, và do đó, phải chỉ đạo sửa đổi luật đất đai để tránh vỡ bung nồi hơi. Chuyện không bàn nữa.
Vấn đề nằm ở vế sau của câu nói: nhưng mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất đã làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao".
Hai ý chính của vế này thể hiện nhận thức không chỉ riêng ông, mà là của tư duy chính trị chính thống nước ta hiện nay. Tôi xin bàn về hai ý ấy.
1/ Việc biểu tình đòi đất làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao?
Đây là luận điệu ngụy biện điển hình của mọi chính quyền độc tài, luôn biến hậu quả thành nguyên nhân.
Đầu tiên, làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao chính là việc quan chức và “tư bản đỏ” móc ngoặc chiếm đất của dân bằng nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn, cộng với tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm, bất lực hoặc bao che vì tư lợi của những cá nhân, cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết tố cáo khiếu nại của dân. Tạm kể trong phạm vi Hà Nội, theo những nguồn chính thống – tất nhiên còn xa sự thật: “Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra gần 9.600 vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai” (VOV 22/8/2012). “Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố còn 52 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm (gồm 23 vụ liên quan đến quản lý đất đai, 10 vụ giải phóng mặt bằng, 16 vụ tranh chấp đất đai, 3 vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (monro.gov.vn 28/9/2012).
Biểu tình đòi đất chỉ là hậu quả của tình trạng kéo dài nói trên khiến người dân không còn chịu nổi, “con giun xéo mãi cũng quằn”. Sao lại đổ tội “làm xấu hình ảnh thủ đô…” cho nông dân?
Ở đa số các nước trên thế giới, biểu tình đòi quyền lợi (chưa cần xét quyền lợi này chính đáng hay không), hay phản đối chính sách này khác của chính quyền (cũng chưa cần biết chính sách này có thực là sai hay không) là quyền pháp định của người dân, miễn là biểu tình ôn hòa, không bạo lực, không gây thiệt hại tài sản công hay tư.

Cho đến nay, tất cả các cuộc biểu tình của nông dân đòi đất (hay biểu tình phản đối Trung Cộng vi phạm chủ quyền) đều diễn ra trật tự, ôn hòa, không hề quá khích (trừ vụ Đoàn Văn Vươn là trường hợp đặc biệt phải xem xét hoàn cảnh, lý do cụ thể để xử có tình có lý). Vậy, tiếp theo, “làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng ngoại giao” chính là chủ trương trấn áp (của chính quyền) và cách thực hiện (của an ninh) chủ yếu là khủng bố người biểu tình một cách bừa bãi, bất nhân, vô đạo mà hình ảnh được tung lên đầy rẫy trên mạng. Sao lại đổ tội “làm xấu hình ảnh thủ đô…” cho nông dân?
2/ Mặc áo màu quốc kỳ (thực ra còn hơn thế: nông dân mặc hẳn quốc kỳ trên người) đi biểu tình làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao?
Là một “đầy tớ” của dân, ông Thảo sao lại không hiểu: Mặc cờ đỏ sao vàng trên người đi đòi đất, “các ông chủ” của ông muốn nhắc chính quyền nhớ đến lá cờ mà cha ông họ đã giương cao để phá kho thóc, để tổng khởi nghĩa, để xông ra trận, để cắm trên nóc đồn Tây, để cắm nhận ruộng… những năm xưa! Nghĩa là: hôm nay họ đi đòi là đòi mảnh đất mà cha ông họ và bản thân họ đã phải đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt chứ không phải họ xin xỏ các ông ban cho.
Là một cán bộ của Đảng Cộng sản VN, mà tiền thân là Đảng CS Đông Dương và Đảng Lao Động VN, ông Thảo sao lại không hiểu: Mặc cờ đỏ sao vàng trên người đi đòi đất, người nông dân hôm nay muốn nhắc các ông rằng: Họ đi theo lá cờ này vì ngày xưa những người phất lá cờ ấy để lôi kéo cha ông họ đã hơn một lần tuyên bố “người cày có ruộng”, đã luôn luôn xác định Đảng này là Đảng của công nhân, nông dân và người lao động, không phải Đảng của vài triệu cán bộ quan chức, càng không phải Đảng của các “đại gia”.
Là một người làm chính trị, ông Thảo sao lại không hiểu: Mặc cờ đỏ sao vàng trên người đi đòi đất, người dân muốn nói rằng mình còn có chút tin tưởng vào chế độ, vào chính quyền cuối cùng cũng sẽ có thiện chí và khả năng trả lại công bằng cho họ, trả lại đất đai cho họ theo đúng pháp luật của Nhà nước.
Vậy thì sao ông lại bảo “mặc áo màu quốc kỳ mang theo khẩu hiệu đòi đất là làm xấu hình ảnh thủ đô…”? Chả lẽ ông thích họ dẫm, xé, hay đốt quốc kỳ như không ít người dân nước khác từng làm để biểu lộ sự phẫn nộ với chính quyền đương quyền?
Tôi tin là trong trường hợp tương tự, một ông Thị trưởng Bangkok đã nói, một ông Thị trưởng Rangoon (thủ đô Myanmar) nay mai sẽ nói: “Việc làm của bà con là bày tỏ nguyện vọng của mình. Mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất, bà con đã bày tỏ sự tin tưởng chính quyền sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Thay mặt chính quyền thủ đô, tôi thành thực xin lỗi bà con về sự thiếu trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà con, và long trọng hứa sẽ nghiêm chỉnh khẩn trương đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con”.
Bao giờ một ông Chủ tịch thủ đô nước ta biết nói câu ấy?
H.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến