Ghé thăm Việt Nam ngày 10/07/2012 hôm nay với trọng tâm kinh tế thương mại được tuyên bố công khai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, bà cũng không ngần ngại cổ vũ cho dân chủ, bày tỏ mối quan ngại về tình hình tự do ngôn luận bị hạn chế tại Việt Nam. Các tuyên bố về nhân quyền của bà Clinton được cho là nhằm đáp ứng những lời kêu gọi của giới bảo vệ nhân quyền trong những ngày gần đây.
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 10/07/2012 (Reuters)
Phát biểu vào hôm nay sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, sau khi nhấn mạnh đến lợi ích mà Việt Nam có thể thu hoạch được trong khuôn khổ khối tự do mậu dịch gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đang được thương thuyết, bà Hillary Clinton đã lưu ý là thỏa thuận TPP đòi hỏi những «tiêu chuẩn cao hơn», và Việt Nam cần «mở rộng thêm không gian cho tự do trao đổi ý tưởng, tăng cường các quy định của pháp luật và tôn trọng các quyền phổ quát của tất cả những người lao động của mình, kể cả việc cho tự do thành lập công đoàn».
Nhấn mạnh ý kiến bà đã nêu lên vào hôm qua tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các quốc gia châu Á, với các hệ thống chính trị khép kín, cũng phải để ý đến những lời kêu gọi dân chủ hóa rộng rãi hơn, vì điều đó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của họ phát triển.
Theo bà Clinton: «Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau. Cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế liên kết với nhau. Tiến trình dấn thân sâu hơn của Mỹ trong khu vực này sẽ hỗ trợ tiến bộ trên cả hai hướng đó».
Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết là bà đã nêu lên mối quan ngại của Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, «trong đó có cả những vụ bắt giam các nhà đấu tranh, các luật sư, và các blogger vốn đã phát biểu ý kiên và quan điểm một cách ôn hòa». Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không nêu danh tánh cụ thể của những người này.
Theo AFP, bà Clinton đã phải chịu nhiều sức ép, muốn bà phải lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền. Vào hôm qua, một dân biểu Mỹ - Frank Wolf, đảng Cộng hòa - đã công khai đòi Washington cách chức đại sứ Mỹ David Shear tại Việt Nam, cho rằng nhân vật này thiếu quan tâm đến vấn đề nhân quyền.
Cùng lúc, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trong một bản thông báo, cũng kêu gọi bà Clinton thúc giục Chính quyền Việt Nam giảm thiểu các hạn chế chặt chẽ quyền tự do trên Internet và trả tự do cho hàng chục blogger đang bị giam cầm.
Theo AFP, dân biểu Frank Wolf là một người nổi tiếng thẳng thắn trong lãnh vực nhân quyền. Trong một bức thư gởi Tổng thống Mỹ Barack Obama được ông công bố hôm qua, ông đã than phiền là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã không giữ lời hứa là sẽ mời một số nhân vật đấu tranh cho nhân quyền, blogger và các nhân vật tôn giáo tại Việt Nam đến Đại sứ quán nhân lễ Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7 vừa qua.
Khi bị truy hỏi về lý do vì sao không mời, thì đại sứ David Shear cho biết là ông đã mời một vài nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, nhưng rồi lại nói rằng ông cần duy trì một «sự cân bằng». Hành động của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội bị dân biểu Wolf cho không xứng đáng với vai trò một người đại diện cho nước Mỹ, và ông đòi là phải cách chức nhân vật này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bà Victoria Nuland đã lên tiếng bảo vệ ông Shear, xác định rằng vị Đại sứ Mỹ ở Việt Nam có liên lạc với rất nhiều giới tại Việt Nam, bao gồm cả những nhân vật hoạt động dân chủ và lãnh đạo tôn giáo. Ông đã mời đại diện của các nhóm này đến buổi tiếp tân nhân ngày 4/7.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: Đại sứ David Shear được cả Tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton «tin tưởng hoàn toàn».
T.N.
Nguồn: Viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét