Báo CCB Việt Nam
LTS: Báo CCB Việt Nam vừa nhận được bức thư ngỏ của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH khóa XIII kèm theo văn bản ý kiến của các đồng chí Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề mà thư ngỏ đã nêu.
Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn ý kiến của các đồng chí Đỗ Mười và Lê Đức Anh cùng bức thư ngỏ của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH khóa XIII
* Ý kiến của Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Ngày 19-9-2011
Thân gửi đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, tôi giới thiệu đồng chí Nguyễn Hữu Đường đến trình bày với đồng chí một việc theo tôi là quan trọng chỉ có đồng chí mới giải quyết được.
Lê Đức Anh
* Ý kiến của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười
BAN CHẤP HÀNH T.Ư ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
VĂN PHÒNG Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2012
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng,
Công ty TNHH thương binh nặng có đơn tố cáo gửi tới đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Nguyễn Phú Trọng về việc một số cán bộ thoái hóa biến chất của cơ quan CSĐT và C48 của Bộ Công an đã dựng chứng cứ giả để bắt những người công nhân chân chính của Công ty TNHH thương binh nặng và đồng thời che giấu tôi tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng cho một số phần tử xấu ở Tổng công ty Bia – Rượu – Giải khát Sài Gòn (SABECO). Cụ thể là tên Văn Thanh Liêm nguyên Chủ tịch của Công ty TNHH một thành viên SABECO đã thao túng Hội đồng quản trị của SABECO để tham ô rút ruột hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Đồng chí Đỗ Mười đã xem và nói chuyển đơn tố cáo này tới đồng chí – người có tầm cỡ chỉ đạo mặt trận chống tham nhũng hiện nay và cho cán bộ có trách nhiệm trực tiếp gặp anh em thương binh nặng của Công ty để nghe anh em trình bày cụ thể.
Kính báo
Phan Trọng Kính
Thư ngỏ của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH khóa XIII
Kính gửi: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng các ĐBQH khóa XIII
Tiếp theo các đơn tố cáo lần 1, lần 2, lần 3, lần 4, lần 5 của Công ty CP Đường Man (là công ty thành viên của Công ty Hòa Bình) và đơn đề nghị giải quyết vụ việc số 10-2012/HB ngày 30-1-2012, số 22-2012/HB ngày 21-3-2012 và số 45-2012/HB ngày 28-5-2012 của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình, chúng tôi xin tiếp tục gửi đến đồng chí đơn tố cáo về việc Cơ quan CSĐT C48, Bộ Công an, ngày 20-12-2011 đã khởi tố vụ án Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) mua malt của Công ty Đường Man và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất trong cơ quan CSĐT C48 trong việc khởi tố vụ án trái pháp luật này như sau:
Năm 2002, Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình đã quyết định thành lập Công ty Đường Man, làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất malt (là nguyên liệu chính để sản xuất bia) dự án này chia ra làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1 là nhà máy Đường Man 1 với công suất 45.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.
- Giai đoạn 2 là nhà máy Đường Man 2 với công suất 80.000 tấn/năm tại khu Công nghiệp Phú Mỹ, Vũng Tàu.
Cơ sở để chúng tôi thực hiện dự án đầu tư này là:
- Lời kêu gọi dùng nội lực để phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ từ đầu những năm 2000.
- Vì uy tín, thương hiệu của các nhà máy bia Việt Nam, quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng cũng như làm đối trọng với các nhà cung cấp nước ngoài, khi thấy chất lượng malt của nước ngoài bán vào Việt Nam giai đoạn trước năm 2002 là rất kém, họ coi Việt Nam là thị trường tiêu thụ các sản phẩm malt kém chất lượng.
- Thuế nhập khẩu mặt hàng malt khi đó là 10% các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Chính phủ.
Ngày 29-4-2004, nhà máy Đường Man 1 của chúng tôi đã chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu, do đặc thù khí hậu Việt Nam nhiệt đới nóng, độ ẩm cao nên việc sản xuất malt gặp rất nhiều khó khăn. Việc thuế nhập khẩu malt giảm từ 10% xuống còn 5% ngay sau đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và thời gian hoàn vốn của công ty chúng tôi. Thậm chí, khó khăn còn bị nhân lên bội phần vì thủ đoạn tuyên truyền chống hàng sản xuất trong nước cũng như động thái bán phá giá của các nhà sản xuất malt nước ngoài đang bán vào thị trường Việt Nam.
Vì những lý do này, việc đầu tư nhà máy Đường Man giai đoạn 2 của Công ty chúng tôi ở khu công nghiệp Phú Mỹ, Vũng Tàu đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình của các cán bộ công nhân viên Công ty Đường Man, cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện nghiên cứu rượu bia và nước giải khát Việt Nam, Ban giám đốc và Ban kỹ thuật của SABECO, chúng tôi đã khắc phục được những khó khăn ban đầu và ổn định sản xuất.
Tháng 6-2004, chúng tôi đã có văn bản số 29/DMC ngày 22-6-2004 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Đường Man và đã được ủng hộ bằng văn bản 5625/VPCP – KTTH ngày 14-10-2004 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công nghiệp và Hiệp hội các Doanh nghiệp Rượu Bia Việt Nam có biện pháp tích cực hỗ trợ Công ty Đường Man trong việc tiêu thụ sản phẩm malt sản xuất trong nước. Ngày 21-10-2004, Bộ Công nghiệp văn bản số 5501/CV-TDTP gửi Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất bia có biện pháp tích cực, hợp tác hỗ trợ cho sản xuất trong nước của Công ty Đường Man, là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất malt.
Chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp, SABECO đồng ý mua 5.800 tấn malt của Công ty Đường Man cho kế hoạch sản xuất bia năm 2005.
Ngày 19-11-2004, Công ty Đường Man đã gửi báo giá số 61-2004/DMC đến Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn:
- Giá lúa mạch: 207 USD/tấn; chi phí sản xuất, giao nhận, vận chuyển: 211 USD/tấn; tổng cộng: 418 USD/tấn, hàng giao tận kho bên mua (giá này không tính lãi).
Ngày 28-3-2005, SABECO đã ký hợp đồng với Công ty Đường Man mua 5.800 tấn malt số 18/2005/DMC – BSC với giá 418 USD/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên đến tháng 9-2005, khi SABECO phát hiện giá malt mua trong nước cao hơn giá malt nhập khẩu đã đề nghị giảm giá cho hợp đồng trên từ 418 USD/tấn xuống còn 393,19 USD/tấn, giá này SABECO tính theo Phương pháp mua malt nhập khẩu của nhà cung cấp nước ngoài, trên cơ sở giá CIF tại cảng 365 USD/tấn + thuế nhập khẩu 5% + các chi phí giao nhận khác = 393,19 USD/tấn. Như vậy, giá bán malt năm 2005 của Công ty Đường Man đã giảm 25 USD/tấn so với giá ban đầu theo phụ lục điều chỉnh giá số 01/PK ngày 6-9-2005 và Công ty chúng tôi đã phải hoàn trả số tiền chênh lệch 25 USD/tấn này cho SABECO ngay cả cho những lô malt đã cung cấp trước đó.
Năm 2006, Đường Man gửi chào giá malt với giá 429,78 USD/tấn:
- Giá lúa mạch 2006 là 198 USD/tấn; chi phí sản xuất, giao nhận, vận chuyển: 231,78 USD/tấn; tổng cộng: 429,78 USD/tấn, hàng giao tận kho bên mua (giá này không tính lãi).
Tuy nhiên, qua quá trình thương thảo, SABECO chỉ chấp nhận mua malt của Công ty Đường Man với giá tương đương với giá malt nhập khẩu, trên cơ sở giá CIF tại cảng là 306 USD/tấn + thuế nhập khẩu 5% + các chi phí giao nhận khác = 331 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá thành sản xuất Đường Man. Do bị thua lỗ quá nhiều nên năm 2006, Công ty Đường Man chỉ ký hợp đồng số 05/Duongman/SGB – 06 bán cho SABECO 2000 tấn, nhưng thực tế Đường Man chỉ giao cho SABECO 391,912 tấn malt (sau đó đã đề nghị huỷ hợp đồng để giảm bớt thua lỗ). Việc bán malt dưới giá thành sản xuất đã khiến cho Đường Man bị lỗ năm 2005 là hơn 12 tỷ đồng, năm 2006 lỗ hơn 13 tỷ đồng (việc này đã được Cục thuế Bắc Ninh xác nhận).
Từ năm 2007 đến năm 2010, Đường Man được cung cấp malt cho SABECO với giá thấp hơn 1% so với giá mà SABECO mua của các nhà cung cấp nước ngoài.
Thưa đồng chí,
Về việc thực hiện các hợp đồng mua bán malt giữa Công ty CP Đường Man và Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO), Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ đã có các kết luận:
- Kết luận thanh tra số 161/KL – TTr ngày 7-9-2007 của Bộ Tài chính.
- Kết luận thanh tra số 11153/KL – BCT ngày 6-11-2009 của Bộ Công thương;
- Kết luận thanh tra số 207/KL – BCT ngày 23-8-2010 của Bộ Công thương.
- Kết luận thanh tra số 1305/KL – TTCP ngày 27-5-2011 của Thanh tra Chính phủ.
Các kết luận trên đều nêu rõ: Việc thực hiện các hợp đồng mua bán malt giữa SABECO và Công ty CP Đường Man là không trái pháp luật.
- Báo cáo số 325/VB – BKS ngày 28-12-2011 của Ban kiểm soát SABECO xác nhận: “Việc SABECO thương thảo hợp đồng mua malt phù hợp quy định của Bộ Tài chính tại Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18-11-2005 và Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 1-10-2010… Qua việc có thêm nhà cung cấp trong nước này, chúng tôi cho rằng có yếu tố tích cực là giúp giảm bớt nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, đồng thời có thêm thông tin hỗ trợ đàm phán với nhà cung cấp nước ngoài”.
- Nghị quyết Đảng uỷ SABECO nêu rõ: Đảng uỷ Tổng công ty nhận thấy chưa có cơ sở kết luận việc ký kết 05 hợp đồng mua bán malt này là có tội cố ý làm trái với quy định của Nhà nước và Tổng công ty. Không có việc Nhà nước thất thoát 5% thuế nhập khẩu do đây là hợp đồng mua bán trong nước (5% này là giá tham chiếu để so sánh). SABECO không thiệt hại gì khi thực hiện mua bán hợp đồng này (theo báo cáo của Bộ phận kế toán).
- Kết luận giám định tư pháp ngày 30-11-2011 của Bộ Tài chính gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công an xác nhận SABECO và Công ty Đường Man đã thực hiện việc mua bán malt hoàn toàn đúng pháp luật.
- Công văn số 17133/BTC – TCCB ngày 15-12-2011 của Bộ Tài chính gửi SABECO khẳng định: cả 2 giám định viên của Bộ Tài chính có đầy đủ tư cách pháp nhân thực hiện giám định. Các giám định viên đã hoàn thành công tác giám định và có Kết lụân giám định gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho Bộ Công an chỉ được khởi tố vụ án SABECO mua malt của Đường Man khi có kết quả giám định của Bộ Tài chính là việc mua bán malt là trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ các văn bản kết luận nêu trên từ Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và Đảng uỷ và Ban Kiểm soát của SABECO là việc SABECO mua malt của Đường Man là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật, ngày 20-12-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra C48, Bộ Công an, vẫn ra quyết định khởi tố số 1/C48 (P3), khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại SABECO về việc mua malt của Công ty CP Đường Man từ năm 2005-2010”.
Cùng thời điểm đó, ngày 23-12-2011, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã ký văn bản vi phạm pháp luật số 581/PBC Đ-V.III gửi Bộ Tài chính với nội dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính “Cử giám định viên có năng lực, kinh nghiệm của Bộ Tài chính tiến hành giám định lại” kết luận giám định ngày 30-11-2011 của Bộ Tài chính, trả lời công văn trưng cầu giám định số 01/C48(P3) ngày 4-8-2011 của C48 về việc SABECO ký các hợp đồng mua malt của Công ty Đường Man từ năm 2005-2010. Việc ông Phạm Anh Tuấn ký văn bản trên, mà không nêu được rõ các lần giám định trước làm sai quy định hay có bất kỳ dấu hiệu sai phạm nào, là vi phạm pháp luật và đã ủng hộ cho việc làm sai trái của Cơ quan cảnh sát điều tra C48 trong việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại SABECO.
Thậm chí, ngay cả khi Bộ Tài chính đã có kết luận giám định lần hai về việc mua bán giữa SABECO và Đường Man là hoàn toàn đúng với pháp luật thì đến ngày 21-5-2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính cử cán bộ có đủ năng lực đạo đức nghề nghiệp, khách quan để giám định lại lần thứ ba, theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT C48, Bộ Công an. Việc mua bán malt giữa Công ty Đường Man và SABECO qua các hợp đồng kinh tế như trình bày ở trên, chúng tôi thiết nghĩ, có thể dễ dàng thấy được Công ty Đường Man là bên bị thiệt hại (bán dưới giá thành sản xuất) và SABECO là bên được hưởng lợi (mua được hàng trong nước chất lượng tốt, giá rẻ hơn các nhà cung cấp nước ngoài). Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã có đơn kiến nghị ngày 28-5-2012 gửi đồng chí Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị huỷ bỏ yêu cầu giám định lần ba để tránh gây lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi đáp.
Chúng tôi cũng đã gửi đến đồng chí nhiều đơn tố cáo Văn Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH thương mại một thành viên SABECO đã cùng với nhóm lợi ích tham nhũng rút ruột mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ thương hiệu SABECO. Đặc biệt nghiêm trọng, Văn Thanh Liêm tuyên bố đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng từ tiền tham nhũng rút ruột này để đặt hàng Cơ quan CSĐT C48 khởi tố vụ án SABECO mua malt của Công ty Đường Man, nhằm bắt giam bằng được những cán bộ chủ chốt của SABECO, những người đang bảo vệ quyền lợi và lợi nhuận của SABECO chống lại những hành vi trục lợi của Văn Thanh Liêm và nhóm lợi ích.
Thưa đồng chí,
Công ty Đường Man là công ty của những đồng chí thương binh thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” khi đi vào sản xuất đã gặp bao nhiêu khó khăn như kỹ thuật công nghệ và nghiêm trọng hơn là việc bán phá giá của các nhà cung cấp malt nước ngoài hòng đẩy công ty chúng tôi đến chỗ thua lỗ và phá sản. Nhưng được sự giúp đỡ quý báu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Hiệp hội rượu bia và nước giải khát Việt Nam và Ban điều hành của SABECO, Công ty chúng tôi đã vượt qua thời kỳ khó khăn, tồn tại, phát triển và giữ vững thương hiệu là nhà cung cấp malt cho SABECO có chất lượng tốt nhất, rẻ nhất (so với các nhà cung cấp malt nước ngoài).
Nhưng từ tháng 4-2011 đến nay, cơ quan CSĐT C48, Bộ Công an, đã được Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đề nghị và Chính phủ đồng ý vào điều tra và đã khởi tố vụ án SABECO mua malt của Công ty Đường Man từ năm 2005 đến năm 2010, khởi tố khi không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc khởi tố này là hoàn toàn trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc làm sai phạm này của C48 đã được sự giúp đỡ tích cực của Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng tại Công văn số 581/PBC Đ – V.III ngày 23-12-2011 và Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 709/VPCP – KNTN ngày 21-5-2012, yêu cầu Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cử người có đủ năng lực đạo dức nghề nghiệp và khách quan, để giám định lần thứ ba theo yêu cầu của cơ quan CSĐT (là việc mua bán malt giữa SABECO và Đường Man là trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trong) nhằm mục đích bắt giam bằng được 7 người trong Ban điều hành của SABECO – Đây chính là mục tiêu đặt hàng của Văn Thanh Liêm và nhóm lợi ích.
Đây là một vụ án vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc khởi tố và bắt giam 7 cán bộ đảng viên, là những người ưu tú và có công lao rất lớn đối với sự phát triển của SABECO, đồng thời làm cho Công ty Đường Man chúng tôi mất uy tín, sụt giảm thương hiệu và thiệt hại lớn về kinh tế, đẩy công ty chúng tôi đến bờ vực phá sản, gây bất ổn và mất lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật cao nhất của cán bộ công nhân viên SABECO cũng như của Công ty Đường Man. Nguy hiểm hơn, những cán bộ thoái hóa biến chất này đã phá hoại chủ trương của Đảng “Dùng nội lực để phát triển sản xuất trong nước” và NQ của Bộ Chính trị “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho những nhà đầu tư trong nước (không ai dám tiến hành đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế cho hàng nhập khẩu).
Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị đồng chí chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra T.Ư và Quốc hội thành lập Đoàn kiểm tra giám sát cho chúng tôi được gặp và tố cáo cụ thể những sự việc nêu trên, kịp thời ngăn chặn những việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng của một số cán bộ thoái hóa biến chất trong Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và cơ quan CSĐT C48.
Kính mong đồng chí quan tâm xem xét chỉ đạo.
Xin trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY TNHH THƯƠNG BINH NẶNG HÒA BÌNH
Đại diện CCB: Trần Việt Hùng - Thương binh ¼
Đại diện Chi bộ Đảng: Nguyễn Văn Dũng - Thương binh ¼
Đại diện Công đoàn: Tạ Quốc Cường - Thương binh ¼
Phó tổng giám đốc: Thái Tiến Vượng - Thương binh ¼
Theo: Báo CCB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét