Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn

PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
LeKhaiGiangLopBDVVNguyenDuKhoaVII_PhanTrongThuong
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
Văn Việt: Vụ luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan từ khi được nhà phê bình văn học Chu Giang khởi động phê phán tại Hội nghị lý luận phê bình lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 05/6/2013, và sau đó là một loạt bài cũng của ông đăng trên Văn nghệ TP HCM, đã bùng phát một làn sóng tranh luận chưa từng thấy trên báo chí chính thống và phi chính thống, trong nước và ngoài nước (google ngày 21/4/2014 cho biết với từ khóa “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, có đến gần 50.000 kết quả). Ông Nguyễn Văn Lưu thẳng thắn: “Vì vậy chúng tôi cấp thời đề nghị phải lập tức đình chỉ việc giảng dạy của cô giáo Nhã Thuyên – dù là giảng dạy hợp đồng. Đồng thời hủy bỏ luận văn, hủy bỏ học vị Thạc sĩ của tác giả luận văn, xem xét lại tư cách của người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Nguyễn Thị Bình và trách nhiệm của Hội đồng chấm luận văn này.”
Lời “đề nghị” trên của ông Nguyễn Văn Lưu đã được thực hiện vượt mức: Đỗ Thị Thoan bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy, bằng thạc sĩ bị hủy bỏ; PGS TS Nguyễn Thị Bình cũng bị cho thôi việc.
Cơ sở pháp lý – tạm gọi như vậy – của những biện pháp hành chính nói trên là kết luận của Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập một cách bí mật, hiểu theo nghĩa không có đối thoại, “tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ” (Trần Đình Sử).
Nay, lần đầu tiên toàn văn bản phản biện của một thành viên Hội đồng thẩm định ấy, PGS TS Phan Trọng Thưởng, được công bố. Nhờ vậy, lần đầu tiên công chúng mới có điều kiện xem xét một cách thực chứng cơ sở học thuật của (một thành viên) Hội đồng thẩm định khi đi đến kết luận về luận văn của Đỗ Thị Thoan. Văn Việt mời gọi độc giả tranh luận với tác giả bản phản biện, coi đó là một hoạt động bình thường trong một xã hội dân chủ. 
VanVN.Net – Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến khác nhau về luận văn thạc sĩ của học viên Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên), ngày 12-2-2014, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận văn này. Đây là việc bình thường ở các cơ sở đào tạo sau đại học hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các cơ sở đào tạo. Để bạn đọc hiểu rõ hơn thực chất luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan về đề tài: “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa”. VanVN.Net xin đăng toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS.TS Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Dựa trên quy cách của một bản nhận xét luận văn và những yêu cầu do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề ra, tôi có một số nhận xét sau đây về luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan. (Tất cả những đoạn để trong ngoặc kép hoặc in nghiêng đều trích dẫn nguyên văn từ luận văn).

1. VỀ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Theo tác giả luận văn, “chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”. Dòng chính được coi là “có quyền năng chi phối tác động, quyền năng hình thành qui phạm, hình thành thiết chế; còn Dòng ngầm có vai trò “giải qui phạm và phá hủy thiết chế, nhất là khi thiết chế đó bộc lộ xơ cứng và bảo thủ diễn ra ngay trong dòng chính như một qui luật của vận động”.

Từ luận điểm trên, tác giả chọn đề tài và đối tượng nghiên cứu của mình là thơ của nhómMở miệng với các lý do: “Mở miệng là một hiện tượng coi là nổi loạn trong thơ đầu thiên niên kỷ, có thể coi đó là “thời điểm cách mạng” của quá trình giải qui phạm và phá hủy thiết chế” (tr3). Tác giả luận văn cho biết tác giả dùng từ cách mạng để chỉ hoạt động của nhóm Mở miệng  là vì chú ý đến “tính chất đột ngột và hiệu ứng kích động của nó”. Theo tác giả, vì “là một hiện tượng nổi loạn, nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước, trong văn chương và ngoài văn chương”, cho nên chọn đối tượng này không chỉ là “chọn một nhóm thơ đã gây ra náo loạn văn đàn”, mà còn chọn “cả một không gian xã hội-chính trị-văn hóa của thời đại”. Bản thân tác giả đã tự đặt ra rất nhiều câu hỏi trong đó có câu hỏi: “Đây là một hiện tượng chính trị đội lốt thơ ca hay là một cuộc cách tân văn chương gây hiệu ứng chính trị?; hay “khi đã xác định hiện tượng thuộc dòng ngầm, bên lề thì cần được hiểu các khái niệm dòng chính, dòng ngầm ở Việt Nam như thế nào?… Đó là những câu hỏi sẽ được trả lời trong nội dung luận văn.
Theo chỉ dẫn của tác giả, “vì Mở miệng tự đặt mình vào một xu hướng rộng hơn, có tính chất liên quốc gia (xu hướng ngoại vi hóa) nên nó hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước như là biểu hiện của nỗ lực đổi mới nghệ thuật và đòi tự do ngôn luận”. Tác giả cũng tự nhận thấy: “cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển” của nhóm này. Và vì vậy khi nghiên cứu hiện tượng này, tác giả luận văn cũng “không được tự do”, “tính khách quan trong nghiên cứu không được đề cao”, và vì thế tác giả  “cũng là một kẻ ngoài lề khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề”.
Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.

2. VỀ LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Đây là một nội dung quan trọng của bất kỳ luận văn, luận án nào. Hiểu biết, nắm vững lịch sử vấn đề là điều kiện để triển khai đề tài, để không lặp lại người đi trước, để kế thừa phát triển các thành tựu nghiên cứu có sẵn, để xác định những đóng góp mới của luận văn, luận án.
Đáng lẽ, lịch sử vấn đề ở đây phải là lịch sử nghiên cứu có liên quan đến đề tài nhưng doMở miệng là một hiện tượng mới, lại là hiện tượng bên lề, hiện tượng thuộc về Dòng ngầmtheo nhãn quan của tác giả nên phần Lịch sử vấn đề, ngoài hai tài liệu (luận văn, luận án) được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội trong năm 2009 có liên quan ít nhiều đến đề tài, thì phần lớn các tài liệu được viện dẫn đều là những bài báo, bài giới thiệu công bố trên mạng Internet, trên các Blog cá nhân. Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận”. Các chỉ dẫn về tài liệu cho thấy phần lớn là các bài báo in ở Hải ngoại, của những người mà tác giả cho là “cùng hội cùng thuyền”, cùng vị trí bên lề so với vị trí quyền lực chính thống ở Việt Nam. Nhưng “dù mang tính chất tán tụng hay chính trị, hay nghiên cứu cũng đều cho thấy sự hiện diện và khả năng gây hấn mạnh mẽ của họ”.
Trên cơ sở của một lịch sử vấn đề như vậy, tác giả luận văn nhận thấy có 3 khoảng trống cần lấp:
- “Các lý thuyết Âu Mỹ chưa được dịch và chú giải kỹ ở Việt Nam nên việc tiếp thu không đầy đủ, vận dụng còn vênh lệch, mô phỏng lý thuyết, mượn danh lý thuyết… Cho nên cần có những mô tả trung thực về thực tiễn văn học sử, từ đó dựa trên sự thẩm thấu các lý thuyết mới để nhìn lại các vấn đề của Việt Nam”.
- “Do sự chi phối của các định kiến, trong đó có “định kiến tách rời mối quan tâm giữa văn chương và chính trị”. Sự nặng nề của từ chính trị mang đặc thù Việt Nam khiến cho người nghiêm túc và phê bình e dè trước các hiện tượng có vẻ gây hấn, quan niệm hướng tới cái tích cực hơn cái tiêu cực, khẳng định cái chính thống hơn cái ngoại biên cùng việc thiếu diễn đàn chính thức cho tranh luận…khiến cho các chuyển động văn học bị ách tắc, ngạt thở. Hệ quả là không gian ngoại biên lẽ ra phải được quan tâm để trở thành đối tượng thì lại trở thành vùng cấm kỵ trong nghiên cứu…”
“Do thân phận ngoại biên nên những tiếng nói mới mẻ, tiếng nói ngầm không được thừa nhận, chỉ ồn ào trong một ngôi nhà bịt kín bằng vải đen không gây được ảnh hưởng nguy hại hơn chính những tiếng nói tiên phong lại có thể biên thái thành sự thủ dâm tinh thần, còn những cái già cỗi thì lại cố thủ thành trì ù lì và chật chội của nó”.
Có thể xem đó là căn cứ thực tiễn để tác giả xác định mục tiêu và nội dung nghiên cứu.

3. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI NGHIÊN CỨU
“Đối tượng của luận văn là thực hành thơ của nhóm Mở miệng với vị trí bên lề và những cách tân, cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật của họ. Mở miệng cùng với các hiện tượng khác tạo thành Dòng ngầm, thành một quá trình ngoại vi hóa đang diễn ra như một hiện tượng có tính chất quốc tế”.
“Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ của thành viên nhóm Mở miệng và những người cùng chí hướng. Ngoài một số bản đã bị công an văn hóa tịch thu, thiêu hủy, tư liệu nghiên cứu hầu hết là những tác phẩm thơ của Mở miệng mà Giấy vụn xuất bản được lưu giữ bằng File hoặc chuyển qua Email”.
Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy.
 4. VỀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Theo tác giả, luận văn “chú ý ít hơn” đến thư pháp của từng tác giả. Trọng tâm nghiên cứu chính được xác định là “vị trí bên lề của Mở miệng. Vị trí này là gì? Hình ảnh tương lai của nó? Có thể bình luận gì về tính cách tân, cách mạng của nó?
Phần Nội dung nghiên cứu gồm 3 chương:
Chương I: Ngoại vi hóa như một chiến lược tồn tại của cái khác
Có thể xem đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời nhóm Mở miệng.
Nội dung chương này gồm 3 luận điểm chính:
I. Sự trỗi dậy của cái bên lề – một hiện tượng có tính qui luật của vận động
Dựa trên các quan điểm của J.Derrida và một số nhà tư tưởng khác ở châu Âu, tác giả luận văn giải thích rõ các khái niệm: Lề, Trung tâm, Ngoại vi, Cái khác và xem đó như là những điểm tựa lý thuyết, là những khái niệm công cụ để từ đó nhìn rộng ra các lĩnh vực xã hội, chinh trị và văn hóa khác; đồng thời là công cụ lý thuyết để giải mã sáng tác thơ của nhóm Mở miệng. Theo các lý thuyết gia này, đi đôi với quá trình xây dựng các thể chế, thiết chế để củng cố vị trí Trung tâm (trong tất cả các lĩnh vực) là quá trình giải trung tâm“Các trung tâm được tạo ra một cách nhân tạo qua thời gian và nhiều trường hợp có vẻ vĩnh viễn, nhưng luôn có nhu cầu liên tục về sự phá huỷ và giải trung tâm”.Theo tác giả, luận điểm đó “cần được thẩm thấu để chỉ ra những cấu trúc xã hội, ngôn ngữ, các thiết chế được xem là chân lý cần giải trung tâm”.
“Trong nỗ lực giải trung tâm thì ngoại vi hóa là cách mà những cái bên lề chọn để chống lại sự trấn áp và tiêu diệt của Trung tâm, cũng là cái cách để cái bên lề tồn tại như một cái khác với kinh nghiệm bên lề của nó. Cái bên lề xuất hiện đòi làm cách mạng khi cái trung tâm trở nên già cỗi. Quá trình kết tụ sức mạnh thành Dòng ngầm của những cái bên lề và gây hấn ở những thời điểm cách mạng không phải là một thuộc tính văn chương mà là một hiện tượng phổ biến và nằm trong bản chất của vận động, do đó, cũng là một hiện tượng có tính qui luật của lịch sử văn học ở bất kỳ thời gian, không gian, bất kỳ thể chế, thời đại, quốc gia, lãnh thổ nào. Nó luôn là biểu hiện của một nỗ lực tìm kiếm ý thức văn hóa mới có tính chất thay thế, làm đối trọng với cái đang trở nên già cỗi, mòn sáo và chuyên chế”.
 Từ cơ sở lý thuyết và sự tri nhận lý thuyết của tác giả, văn học Việt Nam đương đại được nhìn nhận như sau: “Dòng ngầm văn chương và nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam đương đại đã hiển hiện như một xu thế mạnh mẽ, đặc biệt từ điểm khởi đầu thiên niên kỷ mới. Sự xuất hiện của những cặp khái niệm ngoại vi-trung tâm; chính thống-phi chính thống; phụ lưu-chính lưu… cho thấy nỗ lực mô hình hóa những không gian văn chương xung đột (thấy được và ngầm ẩn) và phân chia quyền lực; những cuộc tấn công và chống giữ, những tranh đấu khó hòa giải… khi tính thống nhất của ý thức hệ bị phá hủy”.
Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.
II. Mất diễn đàn-khủng hoảng không khí sáng tạo thời Hậu đổi mới
Để làm rõ nhận định này, tác giả luận văn đưa ra 3 luận điểm sau đây:
Tác giả sử dụng khái niệm Hậu đổi mới để mô tả xã hội Việt Nam từ 1991 đến nay. Theo tác giả, với Đại hội VII (1991), “Cơn hưng phấn của thời đổi mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt lại của chính sách”. “Tại Việt Nam, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư đánh dấu sự khôi phục quyền lực của Đảng với tư tưởng bảo thủ về văn nghệ bằng cách tái chế lại định nghĩa của Nguyễn Văn Linh về Đổi mới”. Theo tác giả, “tinh thần đổi mới đã bị bóp méo hay vo tròn lại”.
Trong thời kỳ này, các nhà văn rơi vào tình trạng tác giả gọi là “mất diễn đàn chính thống”. Ở thời kỳ Đổi mới, các nhà văn như Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu khi đòi quyền tự do cho nghệ thuật vẫn còn niềm tin vào nhà nước và trông đợi vào tờ Văn nghệnhư là một diễn đàn chính thức. Theo nhận xét của tác giả luận văn, “tờ Văn nghệ thời 1987-1988, khi Nguyên Ngọc là Tổng Thư ký thể hiện rõ sự chuyển hóa từ vai trò cơ quan ngôn luận của chính phủ thời chiến thành một diễn đàn quan trọng cho các nhà văn và trí thức với các cuộc tranh luận nghệ thuật, nay đã như mất sức”. Các nhà văn không thể chờ đợi vào sự hồi sinh của tờ báo. “Tờ Văn nghệ với một bộ phận người trẻ trở thành hình ảnh bảo thủ của một ý thức hệ lỗi thời và sự hèn nhát của một lớp nhà văn bại trận”.
Đó là lý do dẫn đến “nhu cầu phản kháng, chống đối, đòi thay đổi”… xuất hiện trong chính đội ngũ nhà văn.
Tác giả đặt sự ra đời của nhóm Mở miệng trong sự so sánh với nhóm Nhân văn giai phẩmtrước đây để nhận diện tính chất phản kháng có ở 2 hiện tượng này. Tác giả nỗ lực phân tích, biện giải để chứng minh sự phản kháng của nhóm Nhân văn giai phẩm thời kỳ những năm năm mươi của thế kỷ XX và của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài… vào những năm tám mươi, chín mươi là hoàn toàn khác so vớiMở miệng. Theo tác giả, các nhà văn trong Nhóm nhân văn và các nhà văn thời kỳ đổi mới dù có phản kháng thì cũng chỉ là sự phản kháng nửa vời, phản kháng của kẻ ở trong, vừa muốn chối bỏ, vừa không muốn chối bỏ; phản kháng nhưng vẫn kỳ vọng vào sự thay đổi, vào quyền được nói thật. Còn các tác giả của nhóm Mở miệng và những người đồng chí hướng hiện nay không chịu dừng lại ở đó. Họ đi xa hơn, họ “muốn lật đổ hơn là xây dựng”, “họ không thể chỉ gây hấn bằng cách nỗ lực nói thật vì niềm tin vào sự thật cũng không còn”…
Từ các phân tích trên, tác giả luận văn nhận định: “Trong mối quan hệ của văn chương và thể chế, nếu thể chế ở thời thịnh, được lòng người; nhu cầu chống đối thường ít khi được đặt ra như một yếu tố trội. Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ. Chính tại đây, sự mất niềm tin vào bối cảnh, chán ngấy cái trung tâm, cái chính thống, cùng với nó là sự tan rã của ý thức hệ nền tảng, diễn đàn chính thống, sự ồ ạt du nhập của những tư tưởng mới và sự khơi nguồn những sáng tạo và phẩm tính phản kháng của các thế hệ đi trước… đã tạo một không khi giao tranh hỗn độn thích hợp cho những cuộc cách mạng một không khí rã rời, vừa dễ nổi loạn, vừa thiếu liên kết, vừa dễ tập hợp nhóm, vừa phi trung tâm, vừa có những điểm để thiết lập một trung tâm mới”. (tr32).
III. Sự khác biệt trong ý thức phản kháng của Nhóm nhân văn giai phẩm  với nhóm Mở miệng còn được tác giả đặt trong bối cảnh rộng hơn là miền Nam và miền Bắc, Hà Nội và Sài Gòn để so sánh nhằm thấy rõ “sự khác biệt trong chủ trương đường lối và ý hướng thơ ca”.
Theo Đỗ Thị Thoan, “Nhân văn giai phẩm là phản ứng Chống sự áp chế của bộ máy quản lý văn nghệ. Họ chủ yếu “đòi một thứ dân chủ gọi tên được, chống lại dàn đồng ca thơ cách mạng”. Còn nhóm Mở miệng cũng Chống nhưng hướng tới cái Khác biệt”.
Sau những phân tích, phê phán thái độ phản kháng nửa vời của nhóm Nhân văn giai phẩm, tác giả luận văn cổ súy cho những động cơ cách tân và cách mạng của nhóm Mở miệng như sau:
“Nhu cầu cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự củaMở miệng – một nhóm văn chương; nhưng nhu cầu cách mạng lại trở thành điều kiện để họ thực hiện cái lẽ sống còn đó”… “Chính sự biến đổi từ nhu cầu cách tân sang cách mạng này tiết lộ một đặc tính của văn chương nghệ thuật trong mối quan hệ với bối cảnh: ý hướng cách tân văn chương không thể thực hiện được nếu không kết hợp với sự đấu tranh, với những tiếng nói đòi quyền lực, hay đòi xác lập một bản đồ văn chương mới. Đấy cũng là tiền đề cho một sự thay đổi nhận thức về tính tiên phong của văn chương giai đoạn này: mọi cách tân văn chương ở những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và những trông đợi vào thể chế thường đến cùng với những tham vọng lật đổ ý thức hệ”.
So sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất của thế chế”… “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.
Kết thúc luận điểm này, tác giả luận văn hô hào: “Chính thời khắc khủng hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới, với nhu cầu của một thế hệ khác”.
IV.Tôi khác, vậy tôi phải tồn tại
(Mệnh đề này có lẽ dựa theo mệnh đề triết học nổi tiếng của R.Decarte: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”.)
Dựa trên nền tảng lý thuyết đã được xác định từ đầu, tác giả đưa các hiện tượng được khảo sát vào một bối cảnh, một không gian rộng lớn hơn để phân tích và khái quát, tìm ra các cặp khái niệm tương ứng. Theo tác giả
Hà Nội – Chính thống – Trung tâm
Sài Gòn – Phi chính thống – Phi trung tâm (ngoại vi hóa, bên lề)
Tác giả đã sử dụng những dẫn liệu văn chương và lịch sử để làm rõ ý tưởng và các cặp khái niệm này.
Theo tác giả, nhận thức rõ vị trí bên lề, cái ngoài lề, cái phi chính thống, nhận thức rõ thân phận kẻ khác, cái khác để không bị tan biến, không bị trấn áp và tiêu diệt thì hướng vận động là phải ngoại vi hóa, phải đứng bên lề. Sự phản kháng của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… đã trở nên già cỗi và trở thành lực cản ngay cả khi đang bứt phá chỉ vì trong nhiều năm cứ phải nói theo ý thức chính thống.
Trong tình hình đó, “những kẻ bên lề, những kẻ nhận thức về vị thế nhỏ bé của mình muốn thoát ra nhưng để không nhanh chóng rơi vào trạng thái già cỗi của sự xác lập các trung tâm mới, rất cần một quá trình giải trung tâm liên tục, hay là một sự phản tư liên tục về chính sự tồn tại của mình”.
Theo tác giả: “Nỗ lực của cái bên lề trong việc giải trung tâm các quyền lực chính thống chính là khía cạnh chính trị trực diệ n của nó. Và chắc chắn, cùng các hiện tượng khác phải ghi nhận sự có mặt của Mở miệng không phải như một sự bột phát mà như một tất yếu; không phải như những anh hùng riêng lẻ mà như những người tiên phong của một tập hợp. Nỗ lực của nhóm Mở miệng trên thực tế không phải là nỗ lực chiếm chỗ Hội nhà văn mà là nỗ lực chiếm chỗ để hất gạt cái cũ kỹ, cái chuyên chế, cái đè nén. Ở đây, việc tiến vào trung tâm không nên được hình dung như hình ảnh đám đông ào ạt xông lên vì u tối và vì không biết phải làm gì một cách vô chính phủ, mà là sự tập hợp những người muốn, trong giai đoạn này, giữ chặt lấy cái địa vị bên lề đó vì nó nuôi dưỡng kinh nghiệm chống đối, nó mang tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới có tính chất thay thế, một không gian phá cách, có nghĩa nó là một năng lượng sáng tạo mới.” (tr43).
Và cuối cùng, giữa hai khía cạnh cơ bản: thực hành thơ và thực hành xuất bản, tác giả xác định “sẽ tập trung vào khía cạnh chính trị và tính cách tân – hai phẩm chất thường xung đột nhau trong nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này, ở bối cảnh Việt Nam đương đại, nó lại trở nên gắn bó và đầy tiềm năng dung hòa.”
Tóm lại, đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn. Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ.
Chương II: Tự xuất bản và sự xác lập không gian phá cách.
I. Xuất bản ngầm trong các xã hội chuyên chế (Samizdat)
Trước hiện tượng tự xuất bản (Samizdat) và các hiện tượng phổ biến, lưu truyền một cách phi chính thống tương tự mà nhóm Mở miệng và nhà xuất bản Giấy vụn tiến hành, tác giả luận văn giải thích:
“Vậy bối cảnh hậu đổi mới với nỗi thất vọng về chính trị, sự đa dạng về văn hóa và công nghệ Internet dẫn đến quá trình giải phân lập không gian địa lý, và hình thành một không gian phân lập trừu tượng hơn của chính thống – phi chính thống Sài Gòn – Hà Nội (không viết hoa). Các nhà văn ngầm ở Việt Nam đã quy tụ với nhau trong những tuyển tập và không gian mạng rộng lớn hơn là trong một điều kiện cư trú tạm thời. Do đó, Samizdat ở Việt Nam đương đại với sự phát triển của dòng thơ phôtô lại có những đoạn nhập dòng với các trào lưu văn hóa mạng, của những tiếng nói ngoại biên, những tiếng nói đòi dân chủ có tính cách tham dự của trí thức như là hệ quả của khủng hoảng về bối cảnh lẫn tiếp thu những xu hướng mới.” (trang 53)
II. Samizdat (tự xuất bản) như một hành vi tham dự: phản kháng và kết nối
Tác giả biện hộ, bênh vực cho hành vi tự xuất bản, xem đó là cách để đạt được tự do cá nhân. Theo tác giả: “Ở Việt Nam, sau nhiều năm truyền thông dòng chính, ở khía cạnh nào đó cũng đồng lõa với những trấn áp thì xuất bản vỉa hè là một hành vi phản kháng lại sự biên tập (thường đồng nghĩa với cắt xén và kiểm duyệt do quan điểm chính trị)… Trong nỗ lực phi chính trị ấy, sự từ chối lại bộc lộ tính chất tham dự… Tính chính trị của Samizdat đương đại biểu hiện ở nỗ lực xác lập quyền lực, một cách tạo không gian chơi mang tính chiếm chỗ và thay thế.”.
Với giải thích của tác giả, các nhà văn tự xuất bản do tự lựa chọn vị trí ngoài lề nên “không cần tham gia vào Hội Nhà văn, đó là những lựa chọn cá nhân khi thể hiện thái độ chống đối hay quan điểm phi chính trị, không cần đến các Hội chính thức của nhà nước”.
Theo tác giả, “Nhân văn giai phẩm vì nỗ lực đòi dân chủ thông qua hình thức xuất bản báo chí công khai nên cuối cùng bị đàn áp khi vượt qua những luật định ngầm của chế độ. Còn nhóm Mở miệng do lựa chọn ngay từ đầu và trung thành với tự xuất bản mang tính chất bán công khai nên tạo thành một vùng văn hóa mới”. Vì vậy, chọn phương thức tự xuất bản là cách “để có thể chống đối”, “là tiềm năng chống lại sự đơn độc và làm tăng sức mạnh của các cá nhân đơn lẻ dưới sự chuyên chế văn hóa”. Hiệu ứng của nó có thể lan rộng trong cộng đồng để mở ra những lối đi mới, một ý thức văn hóa có thể thay thế cái xơ cứng. Bản sắc nhóm cũng là một khía cạnh chính trị.”
Theo tác giả, “phương thức tự xuất bản trước hết là một điều kiện cho tiềm năng cách mạng”.
III. Phẩm chất cách mạng của tự xuất bản (Samizdat)
1. Tính chất phi chuẩn – một thẩm mĩ mới
Theo tác giả, xuất bản vỉa hè ở Việt Nam ít khi gợi cảm giác thiếu phẩm chất văn chương do không được biên tập mà sự phi chuẩn của nó lại biểu hiện một phẩm chất mới, một thẩm mĩ mới. Tác giả dẫn ra những lời lẽ, hình ảnh tục tĩu trên các ấn phẩm Mở miệng để chứng minh (Vì quá tục tĩu nên xin không dẫn ra ở đây)
2. Ngữ pháp của giải phóng
Bằng cách trích dẫn và nêu nguyên văn những bài thơ mà theo Đỗ Thị Thoan “phải gọi là Thi phẩm mới đúng” với lời lẽ thô bỉ, nhảm nhí, với ngôn ngữ phá cách do các tác giả Mở miệng chế tác, tác giả luận văn đã hết lời ca ngợi, nào là “năng lượng thẩm mĩ mới”, nào là sự giải phóng ngôn ngữ, ngữ pháp; nào là sự trải nghiệm sâu sắc, sự tài tình hấp dẫn và “đầy sức mạnh lật đổ”.v.v…
Nguy hiểm hơn, tác giả luận văn còn cổ vũ cho việc đem tác phẩm Đường Kách mệnhcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh ra để giễu nhại, sàm sỡ và xem đó là sự “lật đổ của Slogan xã hội, các ảo tưởng đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ.”(trang 71)
Ở trang 73, cuối chương II, tác giả đã tự đặt câu hỏi, tự trả lời và tự bộc lộ động cơ chính trị của mình khi thực hiện luận văn này: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao? Khi nhà thơ tự mang mình ra như tang chứng của đời sống, của sự áp chế, họ không sở hữu quyền lực thực sự. Có lẽ chính tính chất vô ích của loại hình nghề nghiệp này, những câu hỏi về vị trí, trách nhiệm của nhà văn với xã hội và bối cảnh vẫn cứ được đặt ra, nhiều nghịch lý hài hước mà khó trốn thoát. Vậy cái tình thế của một nghệ sĩ Việt Nam, hoặc là thoát khỏi bối cảnh, trở thành một công dân toàn cầu, hoặc vị nghệ thuật, vị cá nhân, hoặc gắn chặt với bối cảnh thì phải vừa chính trị, lại vừa văn nghệ và cách tân”.
Đây là một luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt.
Chương III: Cách tân hay cách mạng: từ tuyên ngôn đến các thực hành thơ
Giải trung tâm quan niệm thơ
Sau khi đưa ra nhiều dẫn liệu thơ để chứng tỏ nỗ lực giải trung tâm của Mở miệng, tác giả luận văn nhận xét: “Thành ra, khi kẻ ngoài lề nhận ra tình thế ngoài lề của mình, họ cũng nhận ra rằng không thể có tiếng nói chung giữa người đang sống trong cùng một đất nước, một lãnh thổ như hiện nay. Không ai muốn mình thuộc về bóng tối, họ đặt câu hỏi về cách mạng và kẻ lãnh nhận cách mạng thơ.” (Trang 74)
Khi đã xác định sứ mệnh cách mạng của nhóm Mở miệng, tác giả luận văn lần lượt đi vào các phương diện khác nhau của cuộc cách mạng này.
- Trước hết là giải trung tâm về quan niệm thơ
- Thứ hai là thực hành thơ rác, thơ dơ như là mỹ học của cái tục
- Thứ ba là thực hành thơ nghĩa địa như là sự trở lại của các xác ướp.
Với sự nhìn nhận 3 phương diện “cách mạng” này của Mở miệng, tác giả luận văn trở thành người cổ súy, bênh vực nhiệt thành cho những thứ văn chương bên lề, văn chương rác rưởi, dơ bẩn, văn chương nghĩa địa. Với loại văn chương này, tất cả những gì nghiêm chỉnh nhất, thiêng liêng nhất cũng được đưa ra để biếm nhại, công kích, đả phá và kêu gọi lật đổ.
Kết luận của luận văn
Từ các nội dung trên, tác giả luận văn đi đến 4 kết luận sau đây:
1. “Mở miệng tuy tự xác định theo tinh thần hậu hiện đại, nhưng là hậu hiện đại trong văn cảnh Việt Nam, và vì vậy nó cần được nhận diện để không lầm lẫn với các trào lưu hiện đại ra đời từ thế kỷ trước ở các nước khác”
2. “Mở miệng ở các nỗ lực thực hành thơ là biểu hiện của sự giải phóng trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ Việt Nam, Mở miệng là sự “chối bỏ quyết liệt”, “lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có sự tan rã. Sức mạnh và hiệu ứng chính trị của một nhóm văn chương không phải là sức mạnh của những tuyên bố, những khởi loạn súng ống và đàn áp, mà bằng tư cách nhà thơ của họ.”… “Dù hình ảnh của Mở miệng thường bị đồng nhất với hình ảnh của sự phá phách trong hỗn loạn, nhưng điều quan trọng nhất họ đã làm và làm được là phá vỡ sự độc tôn, sự chuyên chế của cái lớn, cái chủ lưu, cái trung tâm chính thống đã bộc lộ sự bảo thủ đáng sợ. Chính sách truyền thông văn hóa hà khắc tạo nên một không gian xã hội nóng bỏng và căng thẳng cao độ bộc lộ ra ưu thế và cả những giới hạn, sự thoái hóa trong thực hành của họ. Khi Mở miệng nỗ lực giải trung tâm cái hiện hữu, cùng lúc nó ngầm bộc lộ tham vọng xác lập một quyền lực văn hóa mới – cái vắng mặt – cái bị trấn áp được nhận thức, đồng thời được nhận thức như một khả năng sản sinh ra quyền lực văn hóa mới. Sự giải phóng này làm nên bản chất chính trị của họ”.
3. “Bên lề được nhận diện như là bản chất chính trị – văn hóa của nhóm Mở miệng. Nỗ lực của nhóm là nỗ lực giải trung tâm, giải huyền thoại, giải định kiến. Nó là hiện tượng có tính chất toàn cầu nhưng cần được nhận diện trong bối cảnh Việt Nam”.
4. “Mở miệng là tiếng nói ngầm, là tiếng nói khác, là khát vọng tự do sáng tạo khi bị bóp nghẹt. Tác giả mượn Thanh Tâm Tuyền để kết luận: “Nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống. Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo”.
Kết luận và kiến nghị của người nhận xét
1 – Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều quan điểm chính trị và học thuật sai trái, mang tính chất kích động, đả phá chế độ, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá sai lệch về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước; không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận  và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước… Luận văn lại được viết bằng một văn phong trôi chảy, có sự mở rộng trên cả hai lĩnh vực văn chương và chính trị, vì vậy, đây là luận văn nguy hiểm, cần được chỉ ra các sai sót để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội và văn học. Đáng tiếc, đây là luận văn khoa học được bảo vệ ở một trường Đại học Sư phạm danh tiếng có truyền thống mô phạm và truyền thống học thuật. Do tính chất nguy hiểm của những tư tưởng chính trị và học thuật sai lầm của luận văn, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nghiêm túc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm từ khâu giao đề tài đến khâu tổ chức đánh giá luận văn, để bảo vệ uy tín cho cơ sở đào tạo và cho nhà trường.
- Từ luận văn này, với bút danh Nhã Thuyên đã phát triển thành 5 tiểu luận nằm trong một cấu trúc thống nhất mang tên: Những tiếng nói ngầm được đăng trên mạng Internet(Da màu) dưới sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Nội dung được viết lại chặt chẽ hơn; các ý tưởng cụ thể hơn; động cơ công kích, đả phá chế độ chính trị rõ rệt hơn. Trong đó, tác giả công khai cổ súy cho “chủ đề giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh, chống lại sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán chế độ cộng sản, bình luận và giễu nhại về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thơ bất đồng chính kiến đã tỏ rõ thái độ trực diện trong quan hệ với quyền lực của thể chế, với nhu cầu phá hủy quyền lực đó. Cộng sản được hiểu như một biểu tượng của sự khống chế tư tưởng và do đó nó thành mục đích nhắm vào của thơ ca trong cuộc tấn công vào ý thức hệ chính thống này” (in trên Da màu).
Rõ ràng, những sai phạm về tư tưởng của tác giả luận văn là có hệ thống và có chủ đích.
3 - Trong thời gian gần đây, trên nhiều tờ báo lớn trong nước đã có hàng loạt bài phân tích, phê phán những động cơ chính trị và những sai lầm về tư tưởng học thuật của luận văn. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến