Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Dự án trường bắn TB1: bao giờ dân biết kết quả thanh tra?



Dự án trường bắn TB1: bao giờ dân biết kết quả thanh tra?

t15t-305.jpg
Một người dân đang chỉ vào thửa đất thuộc dự án trường bắn quốc gia TB 1 ở tỉnh Bắc Giang, ảnh minh họa chụp trước đây.
File photo



Mới đây, thanh tra chính phủ thông báo đã có kết luận thanh tra về việc quản lý sử dụng đất đai của dự án trường bắn quốc gia TB 1 ở tỉnh Bắc Giang, kiến nghị thu hồi hàng tỷ đồng về cho nhà nước. Vậy hàng trăm hộ người dân tộc Nùng đã theo đuổi vụ kiện đất đai liên quan đến trường bắn này từ hơn 6 năm nay đã nhận được gì từ kết luận của thanh tra?

Dân không được biết

Sau khi có thông báo trên báo chí về kết luận thanh tra quý 1 của thanh tra chính phủ, từ nhiều ngày nay, hàng trăm hộ dân xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn liên tục lên văn phòng thanh tra chính phủ ở Hà Nội để chờ đợi kết quả quyết định thanh tra mới đây về vụ kiện đất đai đã kéo dài từ nhiều năm liên quan đến trường bắn quốc gia TB 1 Bắc Giang. Tuy nhiên, câu trả lời duy nhất mà họ nhận được cũng không khác gì với những câu trả lời mà họ đã nghe từ năm 2007 trở lại đây.
Một người dân giấu tên bức xúc lên tiếng:
“Vừa rồi lên trên đấy, lên thanh tra thì thanh tra bảo là có công văn về tỉnh mà mình không lên tỉnh thì cứ chờ thôi. Mình không chờ thì lên tỉnh hỏi, không lên thì cứ chờ thôi. Dân cụ thể không biết thế nào. Chờ thì không biết bao lâu.”
Hôm 16 tháng 4, trong một cuộc họp báo định kỳ quý 1 năm 2013 của thanh tra chính phủ tại Hà Nội, đại diện của thanh tra chính phủ cho biết trong quý 1 năm 2013, thanh tra chính phủ đã ban hành kết luận 3 cuộc thanh tra về quản lý sử dụng đất đai, trong đó có 3 vụ việc của trường bắn TB 1 Bắc Giang. Thanh tra chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 682 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 134 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc thuộc dự án trường bắn TB1 Bắc Giang.
Bao giờ tôi được pháp của cấp trên, họ chuyển cái bản đó thì tôi mới công bố cho đồng bào. Bây giờ mình chưa biết đến bao giờ.
-Ông Nguyễn Hồng Điệp
Để biết thêm thông tin cụ thể từ phía thanh tra chính phủ, chúng tôi liên hệ với thanh tra tiếp dân Nguyễn Hồng Điệp, người đã từng nhiều lần làm việc với các hộ dân ở xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, Tỉnh Bắc Giang. Ông Điệp cho biết:
“Cái đấy thanh tra chính phủ đã kết luận rồi nhưng phải chờ ý kiến của Thủ tướng thì sẽ công khai…. Đợt trước, người dân có điện hỏi tôi nhưng chưa công bố còn nếu công bố thì tôi sẽ cho bà con biết.”
Khi được hỏi bao giờ có thể công bố kết luận thanh tra? Ông Điệp nói:
“Bao giờ tôi được pháp của cấp trên, họ chuyển cái bản đó thì tôi mới công bố cho đồng bào. Bây giờ mình chưa biết đến bao giờ, chắc cũng phải công bố nhưng còn thời gian thì tôi không biết đến bao giờ.”

Đền bù không thỏa đáng

Dự án trường bắn quốc gia TB 1 được bắt đầu vào năm 2003 trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Để lấy đất cho dự án, gần 3.000 hộ dân thuộc 13 xã của hai tỉnh đã phải di dời trong nhiều đợt từ năm 2003 đến 2010. Phần đông những người dân bị dời là dân tộc Nùng và Dao.
Phần đông các hộ gia đình ở đây đều trồng vải để lấy thu nhập bên cạnh các hoa màu khác. Khi bị di dời, họ được nhận tiền đền bù theo khẩu và cây bị mất. Tuy nhiên nhiều hộ dân bị di dời cho rằng họ đã không nhận được đền bù thỏa đáng. Người dân giấu tên cho biết tiếp:

dan250.jpg
Người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, ảnh chụp trước đây. File photo.
“Từ năm 2003, người Kinh tiền khẩu được 15 triệu đồng, còn tiền vải đường kính từ 20 đến 22 cm được 1 triệu 200 ngàn đồng. Lúc đó vải là 1.000 hay 1.500 đồng một kg. Nhưng đến năm 2006 thì vải lên đến 6.000 đồng, 7.000 đồng một cân, nhưng đường kính 20 đến 22 cm mà dân em được có 371.000 đồng, còn tiền khẩu là 15 triệu đồng. Theo công văn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào tháng 12 năm 2004 thì mỗi khẩu là 26 triệu đồng rồi.”
Những người dân tộc nhận tiền khẩu và đền bù cây để chuyển đến nơi ở mới với hứa hẹn từ dự án là họ sẽ có đủ tiền để mua đất canh tác làm ăn bình thường, thậm chí còn tốt hơn. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Người dân giấu tên cho biết tiếp:
“Trước thì bảo dân đi thì mức sống cao hơn thì dân đi, nhưng dân vừa đi, vừa làm nhà xong đã hết 40 triệu đồng, có người phải bán đất cũ đi… không như chính quyền nói, dân vừa đi đã thiếu mấy chục triệu làm nhà, làm xong thì nợ, lúc đó dân rất đói, vừa đi chưa ổn định mà đã nợ mấy chục triệu rồi.”
Theo người dân này thì, dự án đã lừa dân, giảm tiền bồi thường cho dân:
“Kiểu như thế thì dự án thấy dân tộc thiếu hiểu biết nên mới giảm xuống như thế. Giảm như thế thì dân vừa đi xong làm nhà 30 40 triệu thì thiếu nợ giờ trả chưa xong. Giờ thì toàn đi làm thuê, ruộng không lấy được, dân đói, rất khó khăn.”
Bản thân người dân giấu tên cũng bị thu hồi khoảng 10 hecta đất (khoảng 270 sào) cho trường bắn và bị mất khoảng 500 cây vải. Dọn về nơi mới, gia đình ông chỉ đủ tiền mau được 5 sào đất, trong đó có 1 sào đất ở và 4 sào vườn, chỉ đủ trồng 40 cây vải. Ông không có đủ tiền để xây nhà nên cả gia đình 4 người phải ở một căn nhà tạm của chủ cũ để lại.

Bị tù vì đòi đất

Không như chính quyền nói, dân vừa đi đã thiếu mấy chục triệu làm nhà, làm xong thì nợ, lúc đó dân rất đói, vừa đi chưa ổn định mà đã nợ mấy chục triệu rồi.
-Một người dân
Chính vì khó khăn mà từ năm 2007, người dân hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động thuộc tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần tìm đến cơ quan thanh tra chính phủ để khiếu kiện về tiền bù đất đai và cây trồng. Ngày 27 tháng 10 năm 2010, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng quyết định giao Bộ Tài nguyên Môi trường, kết hợp với Bộ tài chính và Bộ Quốc phòng xem xét giải quyết, và ủy ban tỉnh Bắc Giang phải báo cáo trước ngày 15 tháng 11 năm 2010. Đến ngày 6 tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng lại có công văn yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thực hiện đúng quyết định ký ngày 6 tháng 12 năm 2004 của Phó Thủ tướng về mức đền bù cho dân và giao Bộ Quốc phòng kết hợp giải quyết. Tuy nhiên đến tận tháng 4 năm 2011, người dân vẫn không nhận được câu trả lời rõ ràng từ chính quyền địa phương.
Không có đất canh tác, công ăn việc làm không đủ, đói ăn, không có câu trả lời từ chính quyền địa phương, từ khoảng giữa tháng 4 năm 2011, hàng trăm hộ dân thuộc xã Kim Sơn, Phong Minh và Phong Vân đã tự động quay lại vùng đất cũ canh tác. Việc này đã dẫn đến vụ đụng độ đẫm máu xảy ra vào ngày 11 tháng 8 cùng năm giữa khoảng 1000 công an cơ động, dân phòng và bộ đội với khoảng hơn 1000 người dân. Vụ đụng độ đã khiến hơn 20 người bị thương, chủ yếu là công an cơ động.
Sau vụ cưỡng chế, đã có khoảng 35 người dân huyện Lục Ngạn bị bắt và bị xử tù từ 12 đến 54 tháng tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng.

Đùn đẩy trách nhiệm?

10  năm đã trôi qua kể từ khi dự án trường bắn TB1 bắt đầu, gần 600 hộ dân thuộc xã Kim Sơn vẫn tiếp tục tới gõ cửa thanh tra chính phủ và thanh tra quốc phòng để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của họ. Tuy nhiên những thông tin mà họ nhận được vẫn rất chung chung. Lý do tại sao người dân không nhận được câu trả lời cũng có thể phần nào được giải thích trong trả lời của ông Nguyễn Văn Tám, giám đốc dự án di dân trường bắn TB 1 hồi giữa năm 2012 với đài Á châu Tự do:
“Theo kết luận của Thủ tướng chính phủ và văn phòng chính phủ vừa rồi thì dự án TB 1 là rất nhạy cảm. Có hai công văn liền, một của Phó Thủ tướng và của văn phòng chính phủ là thanh tra chính phủ đã thanh tra 5 tháng rồi trong khi chờ kết luận của thanh tra chính phủ thì không đăng tin và không cung cấp số liệu.”
Mới đây, chúng tôi liên hệ với ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu thêm về quyết định mới của thanh tra chính phủ được cho là đã gửi về tỉnh, thì nhận được câu trả lời ngắn gọn:
“Cái này trách nhiệm thông báo là do thanh tra trung ương, Đối với người dân, những câu trả lời này đã khiến họ thất vọng.”
Một người dân giấu tên cho biết.
“Đi đòi từ 2007 đến giờ mà cứ đùn đẩy hết từ trung ương về tỉnh, tỉnh về huyện rồi lại lên trung ương, cứ đùn đẩy thế này thì không biết bao giờ mới giải quyết cái này?”

Tin, bài liên quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến