HẢI PHÒNG: HỒ SƠ VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẦM SÉP - KỲ 1
Chuyện cưỡng chế - Trăm năm đâu chỉ một cuộc bể dâu?
Phương Bích
Trong chuyến đi xem phiên tòa công khai, xử anh em Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, tình cờ tôi được nghe một câu chuyện na ná như vụ Đoàn Văn Vươn. Chỉ khác là vụ này không có súng hoa cà hoa cải gì cả. Không ai bị bắt bớ, bị thương, vì người dân mặc dầu thấy mình oan ngút trời, nhưng vẫn ngoan ngoãn chấp hành lệnh cưỡng chế. Rồi sau đó ngoan ngoãn đi gửi đơn đến các cấp từ xã cho đến tận quốc hội, ròng rã 10 năm trời vẫn chưa thấy công lý đâu.
Tôi cũng được đọc “ké” bộ hồ sơ của vụ này. Thú thực, đã nghe nạn nhân kể tóm tắt trước, nhưng đọc đến “hồ sơ” thì tôi không nén được dăm bảy phen chửi thề. Chửi từ cái “thằng” đánh máy cho đến “thằng” ký. Chửi cái tội sai chính tả thì ít, nhưng chửi cái “thằng” đá bóng thì nhiều. Các ban ngành chức năng đã cất công điều tra mấy năm trời. Thành lập hết đoàn này đến ban nọ, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền công tác phí và phong bì phí. Vậy mà chỉ một lời của ông phó chủ tịch thành phố là có thể sổ toẹt vào sự thật, biến không thành có, đổi trắng thành đen. Đây là do sự ngu dốt bẩm sinh hay cố tình giả ngu để ăn tiền? Phó chủ tịch thành phố mà tuyên bố xanh rờn: “ UBND TP sẵn sàng ra tòa” – trích báo Bảo vệ Pháp luật số 30, ngày 26/7/2008. Nói vậy thì ai sẽ là người to gan lớn mật, dám xử UBND thành phố Hải Phòng?
Thực ra báo chí đã từng đề cập đến từ nhiều năm trước đây, nhưng e rằng nó bị chìm nghỉm trong một xã hội đầy rẫy những oan khiên. Xã hội ta giống như một bà bác sỹ già nua, suốt ngày nghe bệnh nhân rên la đâm ra dửng dưng trước nỗi đau đớn của người bệnh. Chỉ khi nào bà bác sỹ già cũng bị bệnh, cũng phải rên la thì họa mới nhớ ra cảm giác đau nó ra làm sao.
Chuyện xảy ra từ 10 năm trước, nhưng hiện tại nó chưa hề chấm dứt. Nhân vụ cưỡng chế ở Cống Rộc, xin được lật lại chuyện Đầm Sép năm xưa, để thấy cái tội của luật đất đai theo tư duy xã hội chủ nghĩa, đã gây ra thảm cảnh cho người dân nó khốn nạn đến thế nào.
19 năm trước, bờ biển đó chỉ là những đầm nước hoang vu. Nhiều người dân trong vùng, trong đó có không ít những người lính, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã sắn tay vào cải tạo vùng đất hoang này, trở thành những đầm nuôi tôm, cua, cá, ghẹ, mang lại không ít lợi ích cho bản thân họ và cho xã hội. Tiền của đổ vào đó có thể tính, chứ mồ hôi nước mắt thì chả thể nào đong đếm được.
Rồi một ngày, khi họ đang cặm cụi trên đầm thì bất ngờ cả trăm người, thuộc lực lượng cưỡng chế của UBND huyện Cát Hải ào ào kéo đến, đập phá hết chòi, đăng, lưới và tất cả những gì có trên mặt đất. Tàn ác hơn, họ tháo cống cho hàng chục tấn thủy sản trong đầm trôi ra biển...
Ông Vũ Anh Hài – giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Hưng kể lại, lúc bấy giờ anh em cựu chiến binh cũng đã định liều mạng chống lại. Quá đau xót trước bao nhiêu công sức bỏ ra hơn 8 năm trời, bỗng chốc tan tành ngay trước mắt họ, thôi thì ba bảy phen cũng liều. Bom đạn chiến tranh còn chả sợ, cũng đã từng tan xương nát thịt, không cho mảnh đất này thì cũng là cho đất nước này, giờ xá gì cái lũ cướp ngày kia?
Chừng như cũng thấy lo ngại, hay cám cảnh không rõ, một viên đại úy công an gọi ông Hài ra một nơi, lựa lời thuyết phuc, rằng đã có lệnh cưỡng chế mà mình chống lại thì sẽ mắc tội chống người thi hành công vụ. Rồi mình mà bị bắt, thì ai sẽ là người đi lo việc khiếu nại chuyện đúng sai?
Nghĩ cũng phải, ông Hài cùng anh em trong công ty đành thúc thủ, bất lực đứng nhìn thành quả lao động sau 8 năm tan thành mây khói.
Cái nghĩ cũng phải vào lúc ấy của ông Hài, đã khiến ông và những đồng đội cũ hơn 10 năm nay mòn mỏi trên con đường đi tìm công lý mà chưa thấy. Tôi hỏi, các anh đã làm đơn kiện lần nào chưa? Ông cười khẩy, sao không? Hơn 300 lá đơn rồi! Có lẽ lúc đó ông muốn nói đến tất cả những văn bản giấy tờ đã gửi trong suốt 10 năm qua. Rốt cuộc, số phận của những Đoàn Văn Vươn không nổ súng sẽ chỉ có thể là như thế.
Lần giở lại sư việc mới hay, UBND huyện Cát Hải đã có quyết định số 173/QĐ/UB từ ngày 29/4/1994, giao 70 ha diện tích mặt nước (gọi là đầm Sép) cho hai ông Trần Văn Phưởng và Mai Văn Hậu quản lý và sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Ngay trong quyết định này, thời hạn giao đất đã đá nhau. Thời hạn giao đất ghi rõ là 9 năm (được ghi rõ bằng chữ chin năm bên cạnh cho khỏi lẫn), nhưng lại tính từ 29/4/1994 đến hết 01/5/2002?
Ngay sau đó, dựa trên quyết định giao đất, Ban quản lý đầm hồ của huyện Cát Hải đã ký hợp đồng kinh tế số 02/ĐB ngày 20/6/1994 với ông Phưởng và ông Hậu, nhằm quản lý mục đich sử dụng và thu nộp sản phẩm của chủ đầm. Để quản lý 70 ha đầm nước, Ông Phưởng và ông Hậu thuê thêm người, đắp 2km đê ngăn nước mặn, xây 05 cống, 03 nhà ở và nhiều công trình phục vụ sản xuất khác.
Công việc đang xuôi chèo mát mái thì năm 2002, việc mở rộng cảng Hải Phòng đi vào thực hiện giai đoạn 2. Trong số 7 đầm nuôi trông thủy sản bị ảnh hưởng bởi dự án này, có 6 đầm nằm trọn trong khu vực giải tỏa để đào kênh. Riêng đầm thứ 7 (Đầm Sép) rộng 70 ha thì chỉ dùng làm nơi chứa đất nạo vét kênh.
Tuy nhiên, ngày 30/12/2002, UBND huyện Cát Hải đã ra Quyết định số 1477/QĐ-UB thu hồi 70 ha đầm Sép. Cùng ngày, UBND huyện Cát Hải ra tiếp thông báo số 235/TH-UB, giao toàn bộ diện tích thu hồi trên cho bà Nguyễn Thị Thu Hà, trú tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng quản lý, sử dụng.
.
Việc UBND huyện Cát Hải thu hồi đất của người này không phải để giao cho dự án, mà là giao cho người khác là hoàn toàn trái pháp luật. Đương nhiên những người chủ đầm Sép không đồng ý giao đất cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. Họ làm đơn khiếu nại nhưng không một cấp nào giải quyết.
5 tháng sau, trong khi chủ đầm Sép vẫn đang tiếp tục khiếu nại, UBND huyện Cát Hải không những không giải quyết mà còn ra quyết định số 317/QĐ-UB ngày 20/5/2003, cưỡng chế thu hồi toàn bộ đầm Sép. Sau ba ngày ra quyết định cưỡng chế, không hề thông báo cho chủ đầm, lực lượng cưỡng chế hàng trăm người đã bất ngờ kéo đến, phá toàn bộ tài sản trên đất và dưới mặt nước.
Phá xong đầm Sép, hơn 3 tháng sau - ngày 30/8/2003, Ban đền bù giải phóng mặt bằng TP. Hải Phòng và huyện Cát Hải mới phối hợp lập biên bản kiểm kê kiến trúc, tài sản đầm Sép? Lúc này chủ hộ hợp pháp đứng tên khu đầm được hóa phép thành ông Đoàn Hữu Đà – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bài. Số tiền đền bù 3.904.746.980 đồng được phân chia cho 3 cấp thành phố, huyện và xã. Việc biến toàn bộ tài sản của chủ đầm Sép thành tài sản của chính quyền địa phương để hưởng tiền đền bù là điều khó có thể giải thích nổi về mức độ trắng trợn của nó
Ngoài ra, về nguyên tắc, việc kiểm kê phải được tiến hành trước khi phá dỡ. Phá xong mới tiến hành kiểm kê, phải chăng đó là hành vi giả mạo hồ sơ? Chả thế mà trong công văn số 307/PV11 ngày 12/3/2008 của công an thành phố Hải Phòng, gửi UBND TP Hải phòng có chỉ ra, thất thoát vốn ngân sách trong dự án này là 20,552.737.128 đồng (hơn 20 tỷ đồng).
Câu chuyện 70 ha đầm và 10 năm đi kiện, không thể gói gọn trong một bài viết, nên xin ngắt làm đôi, chứ không có ý câu view gì. Mong bà con thông cảm ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét