Cướp tu viện Carmêlô
Trước hết là vụ cưỡng chiếm tu viện Công giáo Carmêlô. Vụ cưỡng chiếm và đập phá tu viện Carmêlô tại Hà Nội do CSVN chủ trương và thực hiện một cách thô bạo và ngang ngược đã khơi dậy luồng phản ứng dữ dội từ các tầng lớp nhân dân trong cả nước, đặc biệt trong giới sinh viên Công giáo.
Vào thời gian cuối năm 2012 đến nay, Tòa TGM Hà Nội, đứng đầu là Đức TGM Nguyễn Văn Nhơn, đã có tới 5 lần gửi văn thư đến Chính quyền, yêu cầu xem xét vấn đề tu viện Carmêô trên căn bản luật pháp.
Nhà cầm quyền CSVN coi khinh tiếng nói của thẩm quyền đại diện Giáo Hội Công Giáo. Chẳng những không thèm trả lời, đám chóp bu CS Hà Nội còn thúc đẩy cấp thừa hành tiếp tục phá dỡ tu viện có lâu đời nêu trên.
CSVN đã từng tạo nên một hiện tượng TGM Ngô Quang Kiệt trong vụ chúng chiếm đoạt Tòa Khâm Sứ Hà Nội, phải chăng nay lại đang dồn TGM Nguyễn Văn Nhơn và cả Tổng Giáo phận Hà Nội vào chân tường với vụ tu viện Carmêlô?
Có thể ĐC Nhơn đang tự kềm chế để giữ sự điềm tĩnh cố hữu của ngài, còn giáo dân Hà Nội thì có lẽ đang phân vân, sợ gây phiền toái cho Chủ Chăn hoặc sợ lại rơi vào tình trạng bi đát vì bị đánh phá, chụp mũ, vu khống như thời Đức Tổng Kiệt!
Tuy nhiên chúng tôi tin chắc, CSVN không thể thách thức lương tri con người được lâu. Họ không thể ngang nhiên dày xéo, dẫm nát Công bằng Xã hội và quyền tự do tín ngưỡng của người dân mà không phải đối đầu với những phản ứng tự vệ của kẻ bị trị bị dồn vào chân tường!
Thông báo của Liên đoàn Sinh viên Công giáo làm tại Hà Nội ngày 05/01/2013 về việc“Chính quyền và Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phá dỡ Tu viện kín Camêlô” là một cảnh báo. Lời xác quyết ở cuối Thông báo “bảo vệ các tài sản của Giáo Hội vì tương lai của Giáo Hội là thuộc về những người trẻ chúng ta” tin chắc là một lời tuyên thệ, một lời đoan quyết hùng hồn thể hiện đức tin của giới trẻ Công giáo!
Thanh niên nói, thanh niên làm. Tư cách nói là làm, mà đã làm thì không sợ của thanh niên Việt Nam, đang được chứng minh hùng hồn qua hình tượng những anh hùng anh thư mà Lm Nguyễn Ngọc Tĩnh tôn vinh trong bài giảng của ngài tại Nhà thờ Dòng Cứu Thế Sài Gòn ngày 30/12/2012, nhân buổi lễ cầu cho Công Lý & Hòa Bình: “Trong những năm qua, những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc đã lần lượt vào tù như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn… Sau đó thì đến Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Hồ Thị Bích Khương, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức… Điều đáng ngạc nhiên và đáng mừng là sau đó có một thế hệ trẻ hơn đã xuất hiện, đó là những Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Việt Khang, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vy, Trịnh Kim Tiến, 15 bạn sinh viên Công Giáo gốc Vinh… và mới đây nhất là cô bé Phương Uyên, cũng là một sinh viên vừa tròn 20 tuổi. Những người đang tuổi trung niên chấp nhận hy sinh sự nghiệp, hy sinh hạnh phúc gia đình, những bạn trẻ đang tràn trề sức sống, hy sinh tương lai, hy sinh tất cả để tranh đấu cho tự do dân chủ, cho nền độc lập quốc gia, cho toàn vẹn lãnh thổ, đó chính là niềm hy vọng của dân tộc, của tổ quốc trong hoàn cảnh bi đát hôm nay”.
Và còn biết bao tuổi trẻ anh hùng khác sẵn sàng đối đầu với thái độ hung hãn vô tâm và bất chấp luật pháp của nhà cầm quyền CSVN từ trước tới nay.
Xử án và án cho 14 Sinh viên
14 thanh niên sinh viên Công giáo và Tin Lành đứng ngẩng đầu hiên ngang giữa Tòa án Cộng sản tại Vinh ngày 09/01/2013, chịu án tù bất công và nặng nề, chấp nhận đốt cháy cả cuộc đời tương lai tri thức và sự nghiệp giúp nước của mình.
Tất cả những người trẻ trên đây có làm gì nguy hại cho Nhà nước, có hành vi gì đe dọa sự sống còn của quốc gia dân tộc đâu! Hay trái lại họ chỉ tỏ rõ tình yêu nồng nàn đối với Tổ Quốc và Dân Tộc?
Họ góp tiếng nói trung thực và đúng đắn vào trách nhiệm bảo toàn chủ quyền quốc gia“chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam” (nhạc Việt Khang) chứ đâu phải họ giành chỗ ăn trên ngồi trốc đè đầu cưỡi cổ dân lành và khuynh đảo đất nước quê hương!
Cho nên việc người tín hữu Công giáo tại các giáo xứ tổ chức cầu nguyện cho các thanh niên Công giáo hay Tin Lành hay thuộc bất cứ tôn giáo nào khác đang bị bách hại là một việc làm chính đáng, đáng ca ngợi, khuyến khích và cổ võ.
Điều khôi hài là mỗi khi Liên Hiệp Quốc, các tổ chức Nhân quyền thế giới hay các Nước Dân chủ lên án các hành vi đàn áp tôn giáo, đàn áp nhân quyền tại Việt Nam thì truyền thông CS trong cả nước vào hùa với Thông tấn xã của đảng và nhà nước CSVN nhai lại những công thức soạn sẵn cùng một khuôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao để lăng nhục, sỉ vả và bịt miệng những tiếng nói đầy tâm huyết, và rồi cùng khua chiêng đánh trống “cực lực phản đối những nhận định hay đánh giá thiếu khách quan hoặc sai trái về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại ViệtNam”.
A dua kiểu đàn bầy.
Trong nhiều trường hợp, khi đọc thấy một bản tin quốc tế quan trọng cáo buộc Việt Nam về một vấn đề hiển nhiên không chối cãi được, toàn bộ hệ thống truyền thông “tòng Đảng” trong nước đều nhận lệnh giả đui, giả điếc, rồi xoay qua tìm một tin khác vô thưởng vô phạt, nhưnhững thứ tin tức và hình ảnh dâm ô trụy lạc trám vào chỗ trống hòng thu hút sự chú ý, đánh lạc hướng dư luận quần chúng. Bên cạnh đó, có báo còn đưa ra những tin tức trái ngược với thông tin bất lợi cho CSVN, khéo léo dẫn dắt người đọc mất ý thức cảnh giác trước mánh khóe tuyên tryền đầy xảo quyệt của họ.
Xin đan cử ví dụ gần nhất – cũng trong Tháng Giêng 2013 này thôi.
Ngày 12/01/2013, các báo điện tử không thuộc Đảng CSVN đều đưa tin “Pháp lên án nhà nước cộng sản Việt Nam đã có những bản án nặng nề dành cho 14 người hoạt động nhằm kêu gọi và thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền của Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 9 tháng Một. Nhà cầm quyền Việt Nam đã có những quyết định tương tự như thế trong những tháng gần đây. Quyết định với những bản án nặng nề như thế là một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng, đặc biệt là sự vi phạm ngôn luận và quyền được bày tỏ ý kiến của người dân.”
Bản tin cũng nêu rõ: “Pháp nhắc lại rằng những quyền và tự do này được bảo đảm bởi Hiệp ước Quốc tế về quyền Chính trị và Dân quyền của con người mà Việt Nam là một thành viên. Pháp cũng nhấn mạnh là khối ASEAN vừa chấp nhận và thực hiện một bản tuyên ngôn nhân quyền, nhằm mục đích bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền tối đa cho người dân ở Á châu.” (Nguồn: Vietnam – Prison sentences handed down to human rights defenders. France Diplomatie, 12 Janvier 2013).
Một bản tin quan trọng và xác thực như thế, vậy mà chẳng một tờ báo nào trong hơn 700 tở báo trong nước nói tới. Họ tảng lờ, nhưng lại hùa nhau đưa tin về một vài phát biểu “vô thưởng vô phạt” của ông đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đó là bản tin ngày 15/01/2013 khoe khoang rằng “Việt Nam là đất nước mà đại sứ Pháp Jean Noel Poirier quan tâm suốt 30 năm qua, là một phần cuộc sống của ông và là nơi ông cảm thấy như ở nhà.” Và rằng “ông Poirier nói về nhiều mặt mối quan hệ phong phú và lâu dài giữa Việt Nam và Pháp, và cả những tình cảm cá nhân ông dành cho Việt Nam.”
Vì sao ông Poirier lại coi Việt Nam là “một phần cuộc sống của ông và là nơi ông cảm thấy như ở nhà”? Vì sao ông ta nói lên “những tình cảm cá nhân ông dành cho Việt Nam”? Bỏ qua thứ ngôn ngữ ngoại giao của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lý do chính yếu buộc ông Poirier không thể nói nào khác hơn là vì… ông ta có vợ Việt và thích ăn phở bò.
Nghị định về tôn giáo mang số NĐ 92/2012/NĐ-CP.
Một vấn đề thời sự trong Tháng đầu của năm 2013 rất đáng nên quan tâm. Đó là Nghị định về tôn giáo do nhà nước cộng sản Việt Nam mới ban hành – Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 92) thay thế cho nghị định số NĐ 22/2005/NĐ-CP của thời kỳ 01.03.2005.
Trong quá trình phía Chính quyền CSVN soạn thảo Nghị định 92, phía Công giáo do được tham khảo ý kiến, đã có văn thư ngày 13/5/2011 “gửi lên góp ý xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP”. ĐHY Phạm Minh Mẫn (Tgp SàiGòn) ký văn thư này, gửi lên “ngài Thủ tướng Chính phủ qua Ban Tôn giáo Chính phủ” với đề nghị 5 điểm. (Xin tham chiếu nguyên văn tại vietcatholic.net/News/Html/102115.htm).
Như vậy, từ ngày phía Công giáo “đệ đạt” ý kiến (13/5/2011) cho đến ngày Thủ tướng CSVN ký Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP (8/11/2012), phía cơ quan Đảng và Nhà nước CS đã có tới hơn 500 ngày để xem xét, nghiên cứu và trao đổi. Nhưng sự thật! Ôi! Phũ phàng!
Đây thư hồi âm của Tòa TGM Sài Gòn khi nhận được thư của Ban Tôn giáo Chính phủ đề ngày 24/12/2012 “mời tham dự Hội Nghị tuyên truyền giới thiệu Nghị định số 92/2012/NĐ – CP”. Tòa Tgm/TGP Sài Gòn dứt khoát: “Không gửi đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền giới thiệu nghị định NĐ 92/2012/NĐ – CP tại TPHCM ngày 4/01/2013”
Vi sao? Nội dung văn thư của Tòa tổng Giám mục nêu rõ: “Tòa TGM xét thấy không cần thiết cử đại biểu tham dự, đơn giản là…. thời gian trước đây Tòa Tổng Giáo mục TPHCM cũng đã gửi đến Quý ban bản góp ý chi tiết về dự thảo Nghị định này.”
Văn thư từ chối trên rõ ràng hàm ý cho thấy phía nhà cầm quyền CSVN chẳng những không hề đếm xỉa tới những góp ý của phía Công giáo, mà còn tăng cường mặt trận đánh phủ đầu tôn giáo bằng những điều khoản dầy khiêu khích của Nghị định mới số NĐ 92/2012/NĐ-CP. Lẽ nào phía tôn giáo bị mắc lừa tham gia “tuyên truyền” chống lại chính mình? Tòa TGM Sài Gòn chí lý và đầy tinh thần trách nhiệm trong lời từ chối của mình: Một cách đáp trả khôn ngoan ngoạn mục.
Nọc độc trong Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP
Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP gồm 5 Chương, 46 điều khoản. Nó chẳng những không “thông thoáng” hơn Nghị định 22 của năm 2005 mà còn bóp chặt hơn quyền tự do tôn giáo cả trong các vấn đề nhân sự, sinh hoạt mục vụ lẫn điều hành nội bộ và quan hệ với các tổ chức tôn giáo, xã hội khác. Về mặt luật pháp, tôn giáo mất hoàn toàn tư cách pháp nhân thì đâu còn nữa quyền đấu tranh bảo vệ tài sản của mình, nhất là nhà cửa, bất động sản bị cướp giật? Thậm chí quyền đi lại của các nhà chức trách tôn giáo cũng bị kiểm soát và bị ngăn chặn một cách thô bạo. (Vụ thu hồi visa của các viên chức Tòa Thánh chuẩn bị lên đường đi Việt Nam cũng như sự đe dọa không cho ĐGM Hoàng Đức Oanh ra nước ngoài trước đây là những bằng chứng cụ thể nhất).
Cơ chế xin-cho” vẫn bao trùm từ A đến Z.
“Xin” là việc bắt buộc cho phía tôn giáo. Nhưng “cho” thì lại là một thứ “ơn ban” tùy thuộc sự “chiếu cố” tùy thời, tùy lúc và tùy hứng của kẻ đầy quyền uy tuyệt đối! là chưa nói tới thủ tục… ngầm không nói ra nhưng ai cũng phải hiểu, thủ tục “biết điều” – thủ tục “đầu tiên”!
Nghị định 92 rõ ràng đưa ra một viễn ảnh vô cùng đen tối cho quyền tự do tôn giáo tại VN: Bách hại sẽ gia tăng và chắc chắn sẽ ác liệt hơn gấp bội so với những năm trước đây, dù trong các năm trước tôn giáo tại Việt Nam không ngừng bị bách hại điên cuồng, người ta chẳng những nhân danh pháp luật cùng trật tự trị an mà còn dựa vào quần chúng tự phát kiểu côn đồ du đảng đểu giả.và hung bạo để “páp luật được thực thi”!
Vụ phá dỡ tu viện Carmêlô ở Hà Nội đang tiếp diễn và vụ phá bĩnh sinh hoạt Giáng sinh 2012 của SVCG Vinh tại Hà Nội là những bước dò la khởi đầu cho việc áp dụng triệt để cái Nghị định 92 hiểm độc có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 này!
Giới thiệu vài phân tích Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP
Phạm vi bài viết không cho chúng tôi đi sâu vào Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP. Độc giả có thể tham khảo bài phân tích sâu sắc của tác giả Trịnh Viên Phương “Xung quanh Nghị định mới của chính phủ Việt Nam về tôn giáo” trên Dân Làm Báo và VietCatholic News (10/01/2013).
Ngay câu mở đầu của bài viết, Trịnh Viên Phương đã cho người đọc thấy “So sánh NĐ 22 với NĐ 92 thì đa số đều quan ngại nhà nước đang dùng NĐ 92 xiết dần cách quản lý các tôn giáo. Báo hiệu thời kỳ khó khăn cho các tổ chức tôn giáo dù có hay không có tư cách pháp nhân hiện nay ở Việt Nam. Đây là một bước lùi trong việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng cần được báo động trên các diễn đàn trong và ngoài nước.”
Một tác giả khác, luật gia Tạ Phong Tần, qua bài “Kẻ thứ ba vô duyên trên giường ngủ” viết ngày 27-5-2011, nghĩa là cách đây hơn một năm, cũng cho ta một cái nhìn khái lược về những âm mưu lắt léo trải đầy trong Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP.
Tác giả xác nhận: “Qua thông tin của những người bạn, tôi mới được biết website Chính phủ Việt Nam vừa đăng bản dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, nếu không có gì thay đổi, thời gian tới Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 [nay đang có hiệu lực thi hành]”. Chị Tần cho biết: “Toàn bộ dự thảo có 5 chương 45 Điều khoản.”Chị nói: “Đọc bản dự thảo, thấy có nhiều thuật ngữ ý nghĩa rất chung chung, mâu thuẫn lẫn nhau, nhiều vấn đề quy định đi ngược lại Hiến pháp và Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết năm 1982”. (http://taphongtan.wordpress.com/2011/05/27/3624/).
Tuy nhiên, hai tiếng nói nêu trên, một của Trịnh Viên Phương và một của Tạ Phong Tần xem ra lạc lõng lắm nếu không có những tiếng nói có trọng lượng hơn hỗ trợ. Tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà HĐGMVN và UBCL&HB trực thuộc HĐGMVN là đại diện hẳn là tiếng nói chính thức và chính trực. Đó mới là tiếng nói có thẩm quyền mà mọi người tín hữu Công giáo đều mong lắng nghe.
Ước gì đây là cơ hội để GHCGVN tự tách mình ra khỏi con đường thỏa hiệp ngoằn ngoèo đầy gian dối và cạm bẫy của CSVN qua những chiêu bài đối thoại mồm loa mép giải của họ.
Thay lời kết.
Bây giờ, người Công Giáo Việt Nam mới thấm thía lời dạy của Thư Chung 1980 “đồng hành cùng dân tộc”. Vâng! Đồng hành cùng dân tộc để bảo vệ chủ quyền quốc gia! Đồng hành cùng dân tộc để chống quân xâm lược từ phương bắc. Đồng hành cùng dân tộc để bảo vệ quyền con người bao gồm mọi quyền tự do chính đáng, nhất là quyền tự do tôn giáo, quyền tự do thực hiện lý tưởng và phát biểu tư tưởng của mình!
Đồng hành cùng dân tộc dứt khoát không hề có nghĩa là đồng lõa với bạo quyền bách hại người dân hay đồng lõa với vô thần tiêu diệt tôn giáo!
Nhà thờ được dựng lên để thờ phượng Chúa chứ không phải được xây cất để dùng làm cơ ngơi hào nhoáng phô trương “sự hoành tráng nguy nga của nó nhờ công ơn đảng và Nhà nước” để rồi biến nó thành pháo đài cho CSVN trường kỳ mai phục, chờ thời cơ xuất kỳ bất ý ra tay triệt hạ tôn giáo trước khi san phẳng bình địa nhà thờ.
Người Công giáo VN đồng hành với dân tộc, không đồng hành với nọc độc quỷ ma!
Lê Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét