Video Clip Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể về trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974
Ngày này cách đây 39 năm, Hoàng Sa bị chiếm đóng trái phép
Thứ bảy 19/01/2013 10:43
Quần đảo Hoàng Sa (trực thuộc TP Đà Nẵng) là một phần lãnh thổ thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, được nhiều đời cha ông ta gìn giữ, quản lý. Nhưng cách đây tròn 39 năm, Hoàng Sa, thời điểm đó đang do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) quản lý, đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực.
Thời khắc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa
Trong cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông do TS Trần Công Trục làm chủ biên (nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) đã ghi lại khá chi tiết những mốc thời gian liên quan đến sự kiện Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa của Việt Nam. Sách viết: “Ngày 15 tháng 1 năm 1974, sau khi tuyên bố lên án chính quyền VNCH đã “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…, CHND Trung Hoa đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.”
Ngày 16 tháng 01 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của hải quân VNCH đã đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện hai chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng thuộc nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa.
Thời điểm quyết liệt nhất được Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông nhắc lại: Ngày 17 tháng 01 đến ngày 20 tháng 01 năm 1974, trận hải chiến giữa lực lượng hải quân VNCH và lực lượng hải, lục, không quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa xảy ra trong tình thế chênh lệch lực lượng rất khó khăn cho lực lượng VNCH, và mặc dù đã chiến đấu quả cảm nhiều binh sĩ đã anh dũng hi sinh, quân lực VNCH đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.”
4 tàu của VNCH bị thiệt hại khi tham chiến |
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Chủ biên cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" cho biết thêm:
"Theo tài liệu Quân lực VNCH thì trận hải chiến Hoàng Sa có 74 binh sĩ tử vong, trong đó tàu HQ-10 có 62 người tử vong, bao gồm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà; tàu HQ-4 có 3 người tử vong, 16 người bị thương; tàu HQ-16 có 2 người tử vong..."
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, của VNCH, người ra lệnh "khai hỏa" Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 |
Quan sát viên của VNCH tại Liên Hợp quốc đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường của mình:
- Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.
- Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
- Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 20 tháng 01 năm 1974, lúc 16 giờ, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình quần đảo Hoàng Sa cho Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, và yêu cầu Hoa Kỳ cho biết có dành cho VNCH sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước thân hữu và đồng minh, cũng như với tư cách là quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris ngày 27 tháng 01 năm 1973 không? Nhưng không nhận được trả lời của Hoa Kỳ.
Ngay sau đó VNCH đã gửi nhiều công hàm phản đối, tố cáo Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Viết Nam đến các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Sau khi chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều chính sách, xây dựng nhiều công trình xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa như thành lập thành phố Tam Sa, xây sân bay, xây trụ sở “Thành phố Tam Sa” và tổ chức tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, ngoài ra họ cũng tổ chức nhiều hoạt động dân sự và quân sự bất hợp pháp ở Hoàng Sa... TS Trần Công Trục đã phân loại các hành động xâm phạm Hoàng Sa nói riêng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông nói chung thành các nhóm hành động sau:
Thứ nhất, Trung quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” (bao hết quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) vào tháng 5/2009 và liên tục đưa ra yêu sách này bằng cách in “đường lưỡi bò” vào bản đồ, thậm chí mới đây cho in vào hộ chiếu.. để nhằm tạo ra "bẫy pháp lý" để các nước, trong đó có Việt Nam vướng vào.
Một đảo thuộc Hoàng Sa, Trung Quốc đang chiếm giữ |
Thứ 2, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, giáo giục ý thức “quốc gia đại dương”trong dân, khẳng định các yêu sách chủ quyền biển. Báo chí Trung Quốc đăng tải một cách có hệ thống các bài viết kích động dư luận, vu cáo các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, chiếm đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc.
Thứ 3, ráo riết tiến hành công tác xây dựng pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển. Quốc hội Trung Quốc đã lần lượt thông qua Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp (năm 1992); Luật đường cơ sở (1996); Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc (1998) (...) đang xây dựng Luật về quản lý sử dụng hải đảo. Trung Quốc đã thành lập cơ quan chuyên trách quản lý biển là Cục Hải dương, tổ chức từ Trung ương đến cấp huyện. Động thái mới nhất, Trung Quốc ra quyết định thành lập “Thành phố Tam Sa” và cho ra đời “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven bờ”. Điều lệ này, cho phép tàu Trung Quốc lục soát tàu bè ở khu vực đảo Hoàng Sa.
Thứ 4, ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân). Dự kiến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành “siêu cường quân sự thế giới” có khả năng tác chiến biển xa. Thực tế cho thấy Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để chiếm thêm các đảo mới.
Mới đây, ngày 2/1, Trung Quốc đã thực hiện những cuộc tập trận kiểm tra độ sẵn sàng tác chiến tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thứ 5, củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 25 tháng 12 năm 2012, Chính quyền trung ương Trung Quốc vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư 10 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,6 tỉ USD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho cái gọi là "thành phố Tam Sa". Hạ tầng này phần nhiều xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa củaViệt Nam.
Thứ 6, thực hiện chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung sức mạnh mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật "ngoại giao cấp cao", "đại cục quan hệ", "trả đũa mạnh" để hạn chế đấu tranh của Việt Nam. Khi buộc phải ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để bảo đảm không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, không để ASEAN co cụm với nhau trong diễn đàn DOC và quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC), tìm cách gạt bỏ chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết và đặc biệt Trung Quốc kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương, mặc dù tranh chấp có liên quan đến nhiều bên.
Thứ 7, thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” (…). Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất “Gác tranh chấp, cùng khai thác” đầy thâm độc này của Trung Quốc là không thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.
Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc luôn tìm cách dân sự hóa các hành động xâm phạm chủ quyềnHoàng Sa như tăng cường tàu hải giám, tàu ngư chính, hải tuần... , bắt, đánh đập, lục soát, cướp ngư cụ và đòi phạt tiền các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt đông hợp pháp tại Hoàng Sa...
Tàu Hải tuần 21 là một trong những tàu Hải tuần trọng tải lớn, hiện đại "khuấy đục" Biển Đông |
Sau khi chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc coi Hoàng Sa như cầu nối, bàn đạp để Trung Quốc vươn ra độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc liên tục tăng cường hoạt động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này thể hiện tham vọng “không có điểm dừng” của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông thành cái ao nhà của mình.
(Bài viết sử dụng tư liệu của TS Trần Công Trục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét