Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Y án với Điếu Cày và Tạ Phong Tần


Cập nhật: 11:25 GMT - thứ sáu, 28 tháng 12, 2012
Blogger Điếu Cày nói mình vô tội trong phiên tòa ngày 28/12/2012
Tòa phúc thẩm ở TPHCM y án với hai blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) và Tạ Phong Tần trong phiên xử sau khi họ không nhận tội 'tuyên truyền chống nhà nước', luật sư của ông Hải cho BBC biết.
Phiên kháng án hôm thứ Sáu 28/12/2012 kết thúc lúc 5h30 chiều với án tù không đổi sau vụ xử sơ thẩm tháng 9 năm nay cho blogger Điếu Cày và bà Tạ Phong Tần trong lúc quốc tế tiếp tục yêu cầu thả tự do cho họ.
Trước đó, theo hãng tin AFP, ông Nguyễn Văn Hải, trường hợp được chính tổng thống Hoa Kỳ đặc biệt nhắc tới, bị tuyên án 12 năm tù và bà Tạ Phong Tần, cựu công an, bị tuyên án 10 năm tù, trong một phiên xử ngắn hồi tháng 9/2012.
Trong phiên xử phúc thẩm, bị cáo thứ ba là ông Phan Thanh Hải được giảm án từ bốn xuống ba năm tù.
Ngay khi kết thúc phiên xử, luật sư Hà Huy Sơn bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Văn Hải nói với BBC Tiếng Việt: "Bản án không ghi nhận, không phản án diễn tiến phiên tòa. Nhưng người ta cứ thực hiện theo thủ tục tố tụng thế thôi."

"Hội đồng xét xử nói rằng (vụ này) không có tổ chức, và việc đi Thái Lan không phải là hành vi bị truy tố, nhưng bản án không phản án diễn tiến phiên tòa."
Luật sư Hà Huy Sơn
"Đặc biệt là Hội đồng xét xử nói rằng (vụ này) không có tổ chức, và việc đi Thái Lan không phải là hành vi bị truy tố," luật sư Sơn giải thích thêm.
Những cáo buộc tòa đưa ra có liên quan tới một số bài viết chính trị của ba blogger trên trang mạng bị Việt Nam cấm “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” và trên các trang blog cá nhân, chỉ trích tham nhũng, bất công và các chính sách đối ngoại của Hà Nội.
Cáo trạng nói ông Nguyễn Văn Hải đã cùng ông Phan Thanh Hải tham gia khóa huấn luyện do tổ chức Việt Tân mở tại Thái Lan hồi tháng 3/2008.
Ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần trong phiên phúc thẩm đều bác bỏ nội dung cáo trạng và nói họ vô tội, luật sư Hà Huy Sơn nói với BBC.
“Điếu Cày nói trong phiên tòa sáng nay rằng ông không phạm bất kỳ tội nào,” ông Sơn nói, và cho biết không có người thân nào tới dự phiên tòa ở phía Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hải nhận tội và đó là cơ sở để tòa phúc thẩm giảm án, từ bốn năm xuống còn ba năm, ông Sơn nói thêm.
Mẹ của bà Tạ Phong Tần, bà Đặng thị Kim Liêng qua đời hồi tháng 7 do tự thiêu trước ngày xử con gái mình.

'Quy định mơ hồ'

Bà Tạ Phong Tần từng là công an ở tỉnh Bạc Liêu
Ba blogger bị quy vào điều 88 Bộ luật Hình sự, hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước, điều khoản mà nhiều nhóm nhân quyền cho là 'quy định chung chung và mơ hồ' dùng để nhằm vào các nhà bất đồng chính kiến.
Vụ xử này cho thấy “cách kiểm soát của nhà nước vẫn tiếp tục dựa trên hệ thống đàn áp công dân và quyền hoạt động chính trị,” ông Phil Robertson, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói hôm thứ Sáu 28/12/2012.
"Vụ xử kháng án của Điếu Cày và đồng nghiệp của ông được thực hiện vào đúng tuần lễ nghỉ phép nhằm tránh chỉ trích trong giới ngoại giao và Liên Hợp Quốc do vi phạm quyền tự do biểu lộ,"
"Không ai trong số ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do - Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (anhbasg) - đáng bị bắt giữ, họ không đáng bị xử tù vì thực thi quyền biểu lộ quan điểm dưới các hình thức khác nhau, kể cả trên trang blog cá nhân," ông Phil Robertson viết.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Việt Nam hạng 172 trên 179 về tự do báo chí và nêu rõ sự kiểm soát của nhà nước là "Kẻ thù của Internet" do sử dụng hệ thống kiểm soát mạng.
Hồi tháng 5 năm nay, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói, "chúng ta không thể quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, mà vụ bắt bớ ông năm 2008 cho thấy sự rạn nứt lớn trong nền báo chí công dân ở Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến