BBC - Trung Bảo
gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Câu chuyện báo “lá cải” không chỉ khiến những người trong nghề quan tâm mà còn khiến nhiều người đọc báo phân vân: “Thế nào là báo ‘lá cải’ và báo chí dùng để làm gì?”.
Việt Nam thực sự có “báo lá cải”?
Bốn tháng trước, ông Nguyễn Văn Hai lấy 50 tờ báo Công An TP.HCM để bán hàng ngày. Con số này hiện nay chỉ còn 30 tờ và “bán rất chậm, thua hẳn những tờ báo mới ra chuyên đăng tin ngôi sao hay vụ án”, ông Hai cho biết.
Sạp báo của ông Hai trên đường Pasteur (Q.1, TP.HCM) bây giờ treo đầy những tờ báo chuyên in chuyện vụ án ly kỳ hoặc những scandal đình đám liên quan đến người nổi tiếng, các tờ báo thời sự - chính trị bị xếp xuống dưới.
“Mấy báo này đọc vui lắm, toàn mấy chuyện của người nổi tiếng” - ông Hai giải thích khi thấy tôi hỏi thăm báo nào bán chạy nhất trên sạp - “Hồi xưa tui nghe nói trên mạng đăng chuyện này chuyện kia mà có bao giờ đọc được đâu vì không biết lên mạng. Bây giờ ra báo giấy rồi, đọc thoải mái”.
Trước đây, tại các bến xe, ga tàu lửa những tập sách có tên “Phóng sự xã hội” vẫn được bán tràn lan.
Nội dung những tập sách này gồm những phóng sự về tệ nạn xã hội, chuyện vụ án, người nổi tiếng…đa số đã được đăng trên những tờ báo và được “xào nấu” lại. Việc thu gom bài do những “đầu nậu” đứng ra làm.
Bây giờ, những ấn phẩm này đã tiến lên một bước mới, “chính quy” hơn, “đàng hoàng” hơn khi có mặt trên những sạp báo.
Trong những ngày qua, hai tờ báo Sài Gòn Giải Phóng và Phụ Nữ TP.HCM đã điểm tên những tờ báo mà họ gọi là “lá cải” gồm: Đời Sống và Pháp Luật, Đang Yêu, Hôn Nhân và Pháp Luật, Tuổi Trẻ và Đời Sống, Gia Đình và Cuộc Sống… còn trên mạng là các trang báo mạng như: Phụ nữ Today, Người đưa tin, Giáo Dục Việt Nam…
Đi một vòng quanh các sạp báo dọc các trục đường chính của Q.1, Q.3 (TP.HCM) nơi tập trung nhiều trường học, có thể thấy nhan nhản những tờ báo với các trang bìa tập trung vào vụ các bắt mại dâm liên quan đến người mẫu bán dâm, giới tính của một nam ca sĩ trẻ, phương cách chữa bệnh bằng cúng bái…
Đối tượng mua báo giờ đây không chỉ là những người thuộc tầng lớp lao động, tò mò mua đọc để giết thời gian, mà còn có nhiều bạn trẻ trong tuổi đi học.
“Cứ nhìn chúng ta đang cung cấp cái gì trên sạp báo trước khi lên tiếng phê phán trình độ của sinh viên hiện nay,” nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT trường đại học Phan Châu Trinh (Hội An), nói.
“Những tờ báo ‘đen kịt’ như vậy được bán khắp nơi thì làm sao mong trình độ của sinh viên, của toàn xã hội có thể nâng lên!”
“Khái niệm ‘báo lá cải’ ở phương Tây đã có từ rất lâu rồi, hàm ý chỉ những thông tin chỉ mang tính giải trí nhất thời chứ không có giá trị lâu dài giống như chiếc lá cải ‘sáng tươi chiều héo," một nhà báo giàu kinh nghiệm đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại khoa Báo Chí (Đại học KHXH và NV TP.HCM), nhận xét.
“Nếu chúng ta phải làm rõ khái niệm “báo lá cải” thì có thể khẳng định ở Việt Nam không có tờ báo nào thật sự đáng gọi là ‘báo lá cải."
Cuộc tranh luận thế nào là báo “lá cải” của báo chí Việt Nam trong những ngày qua rồi sẽ chẳng có hồi kết. Bởi vì, trên những tờ báo bị gán cho là “lá cải” thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những bài viết “đứng đắn” và ở các tờ báo tự nhận mình là “chính thống” người đọc vẫn có thể tìm thấy những thông tin giật gân.
“Tuy chúng ta không có ‘báo lá cải’ nhưng đây đó người ta vẫn đọc được những bài viết ‘lá cải’. Cũng không có thông tin đứng đắn hay thông tin đồi trụy, thông tin ở mỗi tờ báo sẽ khác nhau qua cách thể hiện của mỗi nhà báo, mỗi tờ báo, ” nhà báo nói trên giải thích. “Điều này lại đòi hỏi vốn văn hóa và nghiệp vụ báo chí của mỗi người làm báo”.
Vì sao “lá cải” vẫn tồn tại?
Trong phần đăng ký để nhận thông tin qua điện thoại di động của tờ Thời Báo Los Angeles (Los Angeles Times), đứng đầu là những thông tin nổi bật nóng hổi vừa diễn ra (breaking news), số còn lại là những thông tin về giải trí và thể thao.
Tại Mỹ, những ấn phẩm như People, Star, Penthouse hoặc Playboy, theo cách nghĩ thông thường vẫn được xếp vào hạng “lá cải”, luôn có độc giả và đất sống của mình. Thông tin trên các tạp chí này luôn luôn tập trung khai thác đời tư người nổi tiếng hoặc đăng tải những hình ảnh hở hang mà ta vẫn gọi là “đồi trụy”.
Ở Việt Nam, sở thích đọc những thông tin về tình dục, tội ác, người nổi tiếng…còn vượt qua những thông tin kinh tế, xã hội, văn hóa…điều này có thể dễ dàng kiểm chứng ở mục liệt kê các tin được đọc nhiều nhất trên bất kỳ trang báo điện tử nào.
Tuy vậy, những thông tin “giật gân” ở báo Mỹ không cần nấp dưới những tít báo, bài báo hoặc hình ảnh cố làm mọi cách thu hút bạn đọc bằng câu chữ, khai thác thông tin méo mó đến mức độ vô văn hóa.
Bà Phan, ở Q.Bình Thạnh, một người rất thường xuyên đọc những thông tin giải trí trên các báo nói rất gay gắt: “Tôi không hiểu các nhà báo thời nay học hành thế nào mà bỉ ổi đến mức độ đi đăng cả bài, cả hình ảnh của một đứa bé gái 4 tuổi lộ quần lót. Nếu đó là con cháu tôi thì tôi nhất định kiện những tờ báo này ra tòa cho biết”.
Trước khi xảy ra vụ “đại chiến” giữa các tờ báo, tôi gặp với V. trong một lần nhậu lề đường, anh này từ Hà Nội vào Sài Gòn để chuẩn bị cho số báo đầu tiên ra sạp.
Không giấu giếm, anh nói chủ trương của tờ báo là đăng những chuyện “giật gân động trời hoặc mê tín kỳ bí, nếu có liên quan đến người nổi tiếng thì càng tốt” và “bây giờ làm báo thế này để kiếm tiền thôi”.
Ngay trong số ra đầu tiên, tờ báo đã được in 60.000 bản, một con số mơ ước của không ít tờ báo chính trị - xã hội trong thời điểm này.
Theo tính toán của V., tờ báo chỉ có 5 người làm, sau khi ra sạp trừ đi các khoản chi phí hoạt động, in ấn thì mỗi tháng có thể thu về gần 100 triệu cho mỗi người và sau khoảng 8 tháng hoạt động “trơn tru” thì hoàn toàn có thể thu hồi “vốn”.
Cách đây vài ngày, gọi lại thì nghe V. than vãn: “Các tờ báo tự xưng ‘chính thống’ đó đang cạnh tranh với chúng tôi vì thấy số lượng báo bán ra không bằng nên kiếm chuyện đánh nhau đấy thôi chứ lâu nay báo mạng làm đầy ra đấy thì sao”.
Các báo cạnh tranh nhau về thu nhập bằng nhiều cách
Kể từ ngày ra đời, báo chí luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi, làm kẻ chạy theo thị hiếu bạn đọc hay trở thành ngọn đuốc để soi sáng, dẫn đường cho lối sống của cộng đồng, bồi đắp dân trí cho xã hội. Lựa chọn của các nhà báo tại những nơi có nền báo chí tiên tiến vẫn là trung thực với thông tin và đặt trách nhiệm công dân lên hàng đầu.
Vẫn có một lý thuyết, báo chí sẽ phải chuyển sang khai thác tối đa sự tò mò thiếu lành mạnh của độc giả để tồn tại khi không thể hoặc chậm trễ trong việc chuyển tải những thông tin quan trọng trong đời sống.
Thực tế đã chứng minh lý thuyết này hoàn toàn đúng. Khi xảy ra các vụ ồn ào ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hay Văn Giang (Hưng Yên) hoặc các bè cá Trung Quốc ở quân cảng Cam Ranh, các bài viết về chủ đề này được bạn đọc đón đọc nhiều nhất mà không có bất kỳ thông tin giật gân nào có thể cạnh tranh nổi.
Câu chuyện về “báo lá cải” có thể khiến cho người ta giật mình khi nhìn vào mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam. Người ta ta đang xây dựng điều gì khi báo chí thích thú đăng tải chính sự vô văn hóa của chính mình lên mặt giấy để góp phần làm “đen kịt” xã hội!
Người ta đang xây dựng điều gì khi có các ban bệ quản lý báo chí đầy đủ, “soi” kỹ từng câu chữ của các phóng viên Chính trị - Kinh tế nhưng những bài báo “lá cải” vẫn cứ xuất hiện đều đặn khắp nơi!
Vẫn biết, có người “mua” những thông tin để thỏa mãn sự hiếu kỳ thì sẽ còn người “bán”. Dù vậy, như mọi thứ hàng hóa khác, không thể bán một món hàng hư hỏng, kém phẩm chất hay thậm chí độc hại. Không ai có thể dẹp được nhu cầu này nhưng chính “thị trường” sẽ tự điều tiết để sắp xếp đâu vào đó, dẹp bỏ những thứ có hại.
Điều đó sẽ đến khi báo chí có sự tự do thông tin, kịp thời chuyển đến người đọc tất cả thông tin có ích mà xã hội thật sự quan tâm.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, một nhà báo hiện sống ở Việt Nam.
* Các bài liên quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét