Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Lãnh đạo Việt Nam cấp tốc sang Mỹ sau thất bại của chuyến công du Trung Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng phu nhân, bà Michelle Obama chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, trước khi khai mạc thượng đỉnh APEC tại Hawaï ngày 12/11/2011.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng phu nhân, bà Michelle Obama chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, trước khi khai mạc thượng đỉnh APEC tại Hawaï ngày 12/11/2011.
REUTERS/Larry Downing

RFI
Vì sao Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, ngay sau chuyến công du Trung Quốc hồi trung tuần tháng Sáu, đã vội vã lên lịch đi thăm Hoa Kỳ, với một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama dự trù ngày 25/07/2013 ? Giải thích về tính chất gấp rút đó, có nhà phân tích cho rằng chính mối đe dọa đến từ Trung Quốc – ghi nhận nhân chuyến công du Bắc Kinh của ông Trương Tấn Sang - đã thúc đẩy giới lãnh đạo Việt Nam cấp tốc cử ông qua Mỹ.

Đây là giả thuyết được ký giả Mỹ David Brown, nguyên là một nhà ngoại giao phục vụ tại Việt Nam, nêu lên trong bài viết Vietnam Between Rock and A Hard Place (tạm dịch : Việt Nam trên đe dưới búa) đăng ngày 18/07/2013 trên trang web YaleGlobal của Đại học Yale nổi tiếng tại Hoa Kỳ.
Mỹ muốn Việt Nam cải thiện nhân quyền, Bắc Kinh muốn Hà Nội từ bỏ chủ quyền trên Biển Đông
Bối cảnh quan hệ tay ba Việt Nam Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được YaleGlobal nêu bật trong phần dẫn nhập :
« Việt Nam – với mục tiêu hiện đại hóa cho 92 triệu người dân của mình – đang dao động giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong quan hệ kinh tế và quân sự. Cả hai đại cường đều chờ đợi đất nước Cộng sản nhỏ này chấp thuận một số yêu cầu cụ thể : Mỹ muốn Việt Nam cải thiện nhân quyền và tự do dân chủ, trong khi Trung Quốc lại muốn Việt Nam từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông. Yêu cầu nào cũng gây nên một sự phản đối bên trong Việt Nam khiến cho một hành động cân bằng giữa hai bên không dễ dàng.
Mỹ cố không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng sự dè dặt của Mỹ trong việc phê chuẩn Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không giúp giảm bớt tranh cãi giữa các nước trong khu vực về chủ quyền biển đảo. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đi thăm Trung Quốc vào giữa tháng Sáu và sau đó, đã dự kiến một chuyến đi Hoa Kỳ - vốn chỉ được loan báo trước một thời gian ngắn - nơi mà các cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam đang phụ trách ngành ngoại giao và quốc phòng.

Ông David Brown, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ, tự hỏi rằng phải chăng chuyến đi thăm đột ngột này cho thấy là các lãnh đạo Việt Nam đang lo lắng về người láng giềng khổng lồ của họ và đã sẵn sàng thắt chặt thêm quan hệ với Hoa Kỳ ? »
Sau đây là toàn văn bài phân tích của nhà báo David Brown :
« Các chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia thường phải mất vài tháng để tổ chức, nhưng Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sắp đến Washington trong một thời gian rất ngắn sau ngày chuyến công du được thông báo, và ngay sau một cuộc gặp gỡ rõ ràng là sóng gió với các lãnh đạo Trung Quốc. Phải chăng là ông Sang và đồng nghiệp của ông đã quyết định trả cái giá mà Mỹ đã đặt ra cho việc thiết lập một quan hệ "đối tác chiến lược" ?
Vào đầu tháng Sáu, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định với một tiểu ban Quốc hội rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bán vũ khí, vẫn chưa thể xúc tiến cho đến khi có được sự « cải thiện liên tục, bền vững và kiểm chứng được về tình hình nhân quyền. »
Các quan chức này đã công khai hóa một thông điệp từng được họ kín đáo nêu lên (với phía Việt Nam) từ một vài năm nay. Cuộc điều trần của quan chức ngoại giao Mỹ trên đây hầu như không được ai chú ý, ngoại trừ các phương tiện truyền thông trực tuyến vốn thêm củi lửa cho phong trào ly khai tại Việt Nam.
Đàn áp giới chống Trung Quốc vì ngả theo Bắc Kinh ?
Một cách trùng hợp, công an Việt Nam đã bắt giữ thêm ông Phạm Viết Đào, một blogger, vào ngày 13/06, và cáo buộc ông « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ». Theo hãng tin AP, 43 nhà bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù trong năm nay, gấp đôi so với tốc độ của năm 2012.
Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy bộ phận an ninh mạng của công an Việt Nam đã triển khai công nghệ giám sát FinFisher - do hãng Gamma International, trụ sở tại Anh, làm ra – để cài phần mềm gián điệp vào trong máy tính và điện thoại thông minh của những người truy cập vào các trang blog bất đồng chính kiến.
Hà Nội không hoan nghênh đề xuất của Mỹ về vấn đề nhân quyền. Giới bảo thủ trong đảng cộng sản bác bỏ những yêu cầu muốn Việt Nam cho phép tự do dân chủ nhiều hơn, sợ rằng mục tiêu thực sự của Washington là lật đổ chế độ.
Chiến dịch đàn áp blogger dường như đã phản ánh việc chế độ đang nghiêng về phía Trung Quốc, đối tượng căm ghét của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, các blogger bất đồng chính kiến đã đả kích chế độ mà họ cho là đã thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của Việt Nam chống lại láng giềng khổng lồ của minh. Bằng chứng cụ thể : Trung Quốc từng bước củng cố tuyên bố « chủ quyền không thể tranh cãi » của họ trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.
Lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam, dù không phải là không đáng kể, những hoàn toàn không bì kịp Trung Quốc. Thay vì chấp nhận rủi ro xung đột bắt nguồn từ các tranh chấp bãi đá và rạn san hô - và có thể là dầu khí – giới lãnh đạo Việt Nam đã tìm cách kềm hãm đà xâm lược của Trung Quốc bằng cách đoàn kết các đối tác ASEAN hậu thuẫn cho mình và bằng cách thiết lập các mối « quan hệ chiến lược » với Hoa Kỳ và các cường quốc ngoài khu vực. Kết quả của những nỗ lực ngoại giao rất khiêm tốn.
10 thành viên ASEAN luôn luôn nói đến tính chất « trung tâm » của khối trong các vấn đề khu vực, nhưng lại thất bại trong việc thành lập một mặt trận chung chống lại yêu sách lãnh thổ rộng khắp của Trung Quốc. Trong khi đó, do thận trọng để khỏi bị lôi kéo vào việc bảo vệ các hòn đảo nhỏ của Việt Nam hoặc Philippines, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng họ « không đứng về phía nào » trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Cũng vì lo ngại trước khả năng bị một siêu cường đang lên trả đũa trong các lãnh vực khác, Washington và hầu hết các thủ đô ASEAN đã tránh thách thức trực tiếp việc Bắc Kinh đòi quyền bá chủ trên vùng biển nằm giữa Hồng Kông và Singapore.
Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên các ghi nhận về các chuyến thăm của ngư dân Trung Quốc hàng thế kỷ trước đây. Ngược lại, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các luật lệ quốc tế khác. Giới làm chính sách ở Washington đồng ý rằng các tuyên bố chủ quyền dày đặc liên quan đến Biển Đông cần phải được tháo gỡ bằng cách tham khảo các luật lệ đó. Nhưng lập trường này lại bị suy yếu do việc Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc phê chuẩn UNCLOS, và thất bại của 4 nước ASEAN ở tuyến đầu, không dàn xếp được các mâu thuẫn giữa họ với nhau. Tình trạng này không thể khiến Washington tích cực nếu Bắc Kinh tiếp tục chính sách áp đặt sự đã rồi (tại Biển Đông).
Khi quan hệ Việt Trung căng thẳng vì Biển Đông, người Việt Nam nghĩ ngay đến Mỹ
Khi căng thẳng gia tăng, những người Việt Nam không phải là đảng viên và một nhóm quan trọng trong Đảng Cộng sản đã kêu gọi một liên minh kinh tế và quân sự mặc nhiên với Mỹ. Cũng đã có những tiến bộ về khả năng Việt Nam gia nhập khối Quan hệ Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đang hình thành do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù nhiều lãnh đạo đảng vẫn còn hoài nghi về ý định của Mỹ, trong bốn năm gần đây, các cuộc tham vấn với lực lượng vũ trang Mỹ đã được mở rộng đáng kể. Trong tháng Sáu chẳng hạn, các sĩ quan cao cấp thuộc bộ Tổng tham mưu Việt Nam đã đi một vòng các căn cứ Mỹ.
Cho đến tuần trước, kiểu quan hệ giữa hai quân đội như kể trên – vốn có mục tiêu nhắn nhủ Trung Quốc là Việt Nam cũng có chọn lựa khác - dường như đã đạt đến giới hạn tự nhiên của nó – các chuyến thăm hữu nghị và một chút hợp tác đào tạo trong các hoạt động phi tác chiến như tìm kiếm và cứu hộ. Một năm trước đây, Việt Nam đã từ chối đề nghị của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta muốn Việt Nam tiếp nhận lình và tàu chiến Mỹ luân phiên ghé Việt Nam.
Thế rồi một lần nữa, vào mùa xuân này, Bắc Kinh đã phô trương cơ bắp của họ trên biển. Trái với thông lệ, Hà Nội hầu như không phản ứng. Vào tháng Năm, họ đã than phiền chiếu lệ về cách xử lý thô bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, và cải chính một thông tin của tập đoàn Petro Vietnam về vụ tàu Trung Quốc sách nhiễu một tàu khảo sát của Việt Nam. Lý do tại sao đã trở nên rõ ràng vào ngày 14 tháng Sáu, khi Hà Nội loan báo là Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước qua Trung Quốc.
Chuyến đi hồi giữa tháng Sáu của ông Sang, chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch Trung Quốc vào tháng Ba, đã mang đậm nghi thức và ý nghĩa của một hoạt động loại này, được tích lũy từ hơn một thiên niên kỷ nay.
Người Việt Nam rất có lý khi tự hào về truyền thống kháng chiến thành công chống Trung Quốc xâm lược. Ngoài ra trong suốt lịch sử của mình, họ đã thường xuyên buộc được Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam bằng cách bày tỏ sự tôn trọng. (Thế nhưng) vào tháng trước, Hà Nội đã khấu đầu mạnh mẽ.
Việc dàn xếp chuyến thăm của ông Sang cho thấy là dù có những xích mích, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục hy vọng rằng ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ không phản bội lại một đảng cầm quyền giống như đảng của họ. Đã có những lời lẽ nhấn mạnh đến mối « quan hệ chiến lược toàn diện » giữa hai nước. Nhiều chữ ký đã được gắn vào một loạt những thỏa thuận thông lệ.
Trung Quốc đối với Việt Nam : Hứa suông về kinh tế, lấn lướt về Biển Đông
(Tuy nhiên) ngoài việc nhận được khá nhiều lời nhắc nhở, ông Sang dường như không thu hoạch được gì nhiều Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình đã hứa rằng Trung Quốc sẽ « tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu và quyết liệt » để giảm bớt khoản thâm hụt 16 tỷ đô la trong trao đổi thương mại song phương. Những lời hứa như vậy đã từng được đưa ra trước đây nhưng không mang lại nhiều kết quả. Về hồ sơ Biển Đông, ông Sang không giành được gì ngoài việc đạt được thỏa thuận thiết lập một đường dây nóng để thảo luận về những sự cố liên quan đến ngư dân.
(Hơn nữa), khi bác bỏ việc nêu lên bản Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà cả hai nước đều đã ký, cũng như những quy định khác của luật pháp quốc tế, để làm cơ sở giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Bắc Kinh đã rút bỏ lời hứa với Việt Nam cách nay 20 tháng khi Hà Nội đồng ý tiến hành đối thoại song phương về những tranh chấp liên quan quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ tay miền Nam Việt Nam năm 1974. Các cuộc thương lượng về hồ sơ này không thấy có tiến triển. Khi thừa nhận như vậy, hai ông Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang đồng ý là cần phải gia tăng các cuộc thương thảo.
Quyết định của Bộ Chính trị cử ông Sang tới Washington cho thấy là các lãnh đạo Việt Nam đã bị chấn động bởi những gì mà ông Tập Cập Bình và các cộng sự viên đã nói với ông Sang khi gặp riêng, và Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ về một quan hệ quốc phòng gần gũi hơn.
Ngay trước chuyến công du của ông Sang, đã có thông báo về việc đem ra xét xử một nhà ly khai hàng đầu. Thế nhưng, vụ xử đã được hoãn lại vô thời hạn. Các lãnh đạo Việt Nam hy vọng là Tổng thống Barack Obama sẽ hài lòng với những cử chỉ bề ngoài này. Nếu vậy, thì họ đã lầm.
Như chính quyền Mỹ đã thừa nhận trước Quốc hội vào tháng trước, « nhân dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc cải thiện đáng kể quan hệ song phương nếu không có những tiến bộ rõ ràng về nhân quyền ». Trong thực tế, Hoa Kỳ không cần tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam để bảo vệ các lợi ích của mình tại Biển Đông. Washington có khả năng chấp nhận tầm nhìn về lâu về dài và có thể làm cho những kẻ hoài nghi bất ngờ, khi tỏ lập trường kiên quyết về nhân quyền. Giờ đây, với các cựu chiến binh Việt Nam như John Kerry và Chuck Hagel phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng, thì Hoa Kỳ sẽ biết chính xác là họ sẽ phải làm gì.
Lời bình của Giáo sư Carl Thayer, trên mạng YaleGlobal ngày 19/07/2013
Tôi đồng ý với David Brown là chuyến viếng thăm Washington của Chủ tịch Trương Tấn Sang đã được tổ chức một cách vội vã. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng từ gần một năm nay, Việt Nam luôn hối thúc Hoa Kỳ để có được chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước. Chính điều này đã làm tôi có một phân tích hơi khác so với phân tích của David Brown.
Theo nội dung một số bức điện của Hoa Kỳ được WikiLeaks tiết lộ, trong nội bộ, chính quyền Việt Nam muốn tìm kiếm sự cân bằng thông qua các chuyến công du nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao.
Tôi không nhấn mạnh như ông David Brown rằng chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Sang không tốt đẹp, và đã thúc đẩy Bộ Chính trị (đảng Cộng sản Việt Nam) bất ngờ quyết định cử ông Sang tới thăm Washington. Ngược lại, ý tôi muốn hỏi là tại sao chính quyền Obama lại bất ngờ chuyển hướng và chấp thuận chuyến viếng thăm của ông Sang ?
Câu trả lời nằm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế được thông qua ngày 13/04 và đã được công bố. Nghị quyết này nói rằng hội nhập kinh tế phải được coi là trọng tâm trong các ưu tiên của Việt Nam, và tất cả các khía cạnh khác của hội nhập quốc tế đều phải phục vụ mục đích này. Chuyến đi của ông Sang chủ yếu nhằm vào hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và các quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ trong tương lai.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130722-lanh-dao-viet-nam-cap-toc-sang-my-sau-that-bai-cua-chuyen-cong-du-trung-quoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến