Trước
đây, họ “bám trụ” ở Vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Cách đây mấy tháng, hồi họp quốc
hội, họ bị đuổi sang Vườn hoa Lý Tự Trọng. Dù ăn ngủ ở vườn hoa nào thì nơi ấy
cũng mang tên Vườn hoa Dân Oan. Không rõ ai là người đầu tiên đặt ra cái tên
này.
Họ chủ yếulà những người bị mất đất qua việc cưỡng chế giải
phóng mặt bằng của các dự án. Thậm chí, theo họ nói chẳng có dự án nào cũng bị
cưỡng chế. Họ là những người dân ở các tỉnh xa, khắp Trung, Nam, Bắc, đổ về Hà
Nội khiếu kiện nên họ phải lấy một địa điểm nào đó để trú ngụ và không nơi nào
phù hợp bằng vườn hoa. Chỉ có một số ít ở trọ nhưng chỉ ngủ đêm, ban ngày nếu
không đi khiếu kiện thì lại đi làm thuê hay ra vườn hoa với nhau. Đi qua qua
khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Lý Tự Trọng, ta thường thấy họ cầm những tấm
biểu ngữ viết tay với các kiểu, các cỡ chữ nói về nỗi oan của họ. Cũng có khi
mệt quá, họ ngồi nghỉ ở vỉa hè, biểu ngữ bày ra trước mặt như người ngồi bán
hàng.
Đây là số dân oan đi khiếu kiện quanh năm ngày tháng. Họ
nghèo, bị mất nhà mất đất, không có của để dành để chỉ việc ăn rồi đi kiện. Để
duy trì cuộc sống, họ phải đi làm thuê như rửa bát cho các nhà hàng, đi nhặt
rác … Thỉnh thoảng có việc ở quê, họ về chớp nhoáng, xong việc lại ra Hà Nội.
Những người bám trụ ở đây có cả cặp vợ chồng, có cả 3 anh em
ruột.
Nơi ở của họ là những túp lều. Gọi là lều hơi quá, nó chỉ là
tấm bạt dứa rách nát trùm lên che sương che nắng. Không biết khi mưa họ ở như
thế nào.
Thỉnh thoảng họ lại bị xua đuổi. Đang ăn cũng bị hất bát cơm
đi. Có khi bị bốc lên xe chở về quê, có khi lại bị hốt sang trại Đồng Dầu, Dục
Tú, Đông Anh (xem Ở ĐÂY)
Tối hôm qua, 28/1, chúng tôi đến thăm họ ở Vườn hoa Lý Tự
Trọng. Thấy chúng tôi, họ kể về nỗi oan của họ, về cảnh cơ cực mà họ phải chịu,
cứ như thể chúng tôi là người có quyền giải quyết đơn của họ.
Họ cho biết, thỉnh thoảng, họ cũng được ai đó mang ra cho đồ
dùng như quần áo, chăn màn cũ, có khi cho tiền. Họ bảo: Nếu không có dân Hà Nội
đùm bọc thì chúng tôi làm sao sống nổi.
Nhìn cảnh họ chui trong những túp lều, nằm trên nền vườn hoa
lạnh giá trong cái rét tháng Chạp này, tôi thấy đau quặn thắt trong lòng. Người
ta nói “đêm nằm bằng năm ở”. Thế mà họ phải chịu cảnh này quanh năm, mùa nóng
cũng như mùa rét. Cô bạn cùng có mặt với tôi, thốt lên đau đớn: “Bà con ăn ở
như thế này thật sao anh. Em không thể tưởng tượng nổi. Phải làm cái gì cho bà
con anh ạ. Em sẽ…”. Tôi bảo: “Thế em nghĩ anh vừa dàn cảnh ra để quay phim đấy
à”.
Khoảng gần 8 giờ tối, một tốp 3 người về mang theo những
chiếc bao nhựa đen. Một bác bảo: “Đi nhặt rác về đấy”. Tôi ngạc nhiên: “Sao lại
nhặt rác, công ty vệ sinh thuê à?” “Không, nhặt rác để sống. Cái dùng lại được
thì dùng. Đốt được thì làm củi, rau thừa để ăn”. Họ lọc ra, phân loại, cái gì
không dùng được thì đổ vào thùng rác của công ty vệ sinh để gần đấy.
Một bác căng miệng túi nhựa ra cho tôi xem, thấy dưới đáy túi
nhựa là mấy cọng hành héo. Bác bảo: “Còn đậu, thịt thừa thì phải đến các nhà hàng”.
Tôi nghe đến đây, sự đau đớn lên đến cực độ.
Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, hiện nay, số nằm thường
trực ở Vườn hoa là 33 người, ngoài ra có 7 người ở trọ. Họ là công dân các
tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Bình Dương, Thanh Hóa, Bình Phước, Ninh Thuận, An
Giang, Hòa Bình, Gia Lai, Sơn La, Bắc Giang, Bạc Liêu, Điện Biên, Quảng Bình,
Đắc Lắc, Cà Mau, Ninh Bình, Tuyên Quang, Đồng Nai. Riêng dân oan Hà Nội có
khoảng 10 người, họ ở nhà, hàng ngày ra vườn hoa tụ họp với bà con các tỉnh.
Hôm nay đã là 18 tháng Chạp, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là sang
xuân mới. Mỗi khi Tết đến, nhà nhà nô nức sắm sửa. Với các nhà giàu thì khỏi
phải nói chương trình đón xuân của họ đến mức nào, vứt vào một cái tết là bao
nhiêu.
Tôi xin kêu hộ bà con đang nằm vất vưởng ở Vườn hoa Lý Tự
Trọng, mỗi người dân Hà Nội hãy bớt đi một chiếc bánh chưng, một chút tiền tiêu
vào những điều không thiết thực, các em thiếu nhi bớt đi vài đồng tiền mừng
tuổi giúp đỡ những người cùng nòi giống đang gặp khó khăn hoạn nạn, nhất là
trong những ngày Tết này.
Khi tôi hỏi mỗi lần Tết đến, chính quyền hay đoàn thể Hà Nội
quan tâm đến bà con nằm ở vườn hoa như thế nào, cô Hải, dân oan ở xã Thạch
Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho tôi biết, chúng em chưa bao giờ nhận
được chút quà nào từ phía họ. Chỉ thấy năm nào công an cũng đến vườn hoa, vào
các nhà trọ ghi tên nói là để lập danh sách tặng quà nhưng rồi không bao giờ
có. Chỉ có quà của các nhà chùa và bà con hảo tâm ở Hà Nội mà thôi.
Tôi quá ngạc nhiên trước câu trả lời của cô Hải. Trong chiến
tranh, tù binh – nghĩa là kẻ thù bên kia chiến tuyến còn được đối xử nhân đạo
kia mà. Tá túc ở Vườn hoa Lý Tự Trọng có đủ các thành phần: phụ nữ, thanh niên,
người già, người có công với cách mạng… Chính quyền đã vậy, còn các đoàn thể,
các hội trong Ủy ban mặt trận Tổ quốc đâu? Báo chí đâu mà không có tờ nào nói
về những người dân oan này? Hay là họ sợ mất lập trường giai cấp, sợ mất ghế?
Họ tưởng Đảng, Nhà nước trả lương cho họ chăng. Đẳng và Nhà nước làm gì có
tiền, ngoài tiền thuế của dân, trong đó có cả những người dân khốn khổ kia.
Những người phải rời nhà cửa đến thủ đô kêu oan năm này qua
năm khác đều là đồng bào của mình. Đồng bào nghĩa là cùng một bào thai. Bào
thai ấy là cái bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ, sau này nở ra trăm con, rồi thành
các dân tộc anh em sống trên Đất Việt. Lẽ nào có thể cư xử với nhau vô cảm,
thiếu nhân đạo đến như vậy?
Tôi khẩn thiết kêu gọi chính quyền, các đoàn thể tại Hà Nội
cần có hành động giúp đỡ những người dân oan, trước mắt là tổ chức thăm hỏi
tặng quà cho bà con sống vất vưởng ở vườn hoa trong những ngày Tết, để phút
xuân sang, họ đỡ đi phần nào tủi nhục.
Bà con đốt lửa vừa nấu nướng vừa sưởi ấm. Bác bên trái khoác chiếc áo đeo đầy huân chương cho tôi chụp ảnh
Vài mẫu “nhà” ở Vườn hoa Lý Tự Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét